 |
Một phần dự án khu khai thác mỏ đồng Toromocho của công ty Trung Quốc Chinalco ở Peru. Ảnh: AP |
Theo các báo cáo gần đây về môi trường ở Mỹ La-tinh, tình trạng suy thoái môi trường ở châu lục này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng tất cả đều gom chung về một mối: “Cơn khát vô độ” của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này.
Hôm 25-3, một nhóm các chính trị gia Ecuador đã cùng tham gia thảo luận hợp đồng mời thầu hơn 3 triệu ha rừng Amazon nguyên sơ cho đại diện các công ty dầu mỏ của Trung Quốc tại khách sạn ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh. Đây là chặng dừng thứ tư của chuyến quảng bá tuyên bố công khai quá trình đấu thầu. Tuy nhiên, Amazon Watch- tổ chức phi chính phủ bảo vệ các khu rừng nhiệt đới và thúc đẩy quyền của người dân bản địa ở lưu vực sông Amazon cho biết kế hoạch trên đang vấp phải sự phản đối từ 7 nhóm dân bản địa bởi họ lo ngại cuộc sống của họ bị đe dọa khi môi trường trong khu vực bị hủy hoại.
Trong một nhận định, chuyên gia hàng đầu thế giới về xung đột nảy sinh do tài nguyên thiên nhiên Michael T Klare thuộc Đại học Hampshire (Mỹ) cho biết Trung Quốc hiện đang trong “cuộc đua giành lấy nguồn năng lượng còn sót lại” sau sự phát triển của các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Do đó, không riêng Ecuador mà hiện tại có rất nhiều quốc gia tại châu Phi, Mỹ La-tinh đã và đang trở thành mục tiêu hàng đầu cho hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc cũng trở thành “chủ nợ” lớn và đối tác hàng đầu của Mỹ La-tinh khi kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Bắc Kinh và châu lục này tăng mạnh, đạt ngưỡng 241 tỉ USD hồi năm 2011 trong khi năm 2000 con số này chỉ ở mức 10 tỉ USD. Tuy nhiên, kèm theo lợi ích đó là các điều khoản trả nợ ràng buộc với nhiều cam kết, trong đó cho phép Trung Quốc đẩy mạnh việc khai thác tài nguyên lâu dài mà hệ lụy đang tác động nghiêm trọng đến môi trường và cộng đồng người dân bản địa. Theo cựu Bộ trưởng Dầu khí Ecuador Alberto Acosta, “Trung Quốc đang thu vét tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới và chúng ta chỉ đang ở trong quá trình tích lũy của họ mà thôi”.
Không riêng vấn đề môi trường, mối quan ngại về sự mất cân đối trong quan hệ thương mại Trung Quốc- Mỹ La-tinh cũng được đặt ra, bởi mặc dù chỉ số GDP có tăng trưởng nhưng không đồng nghĩa cũng mang lại lợi ích phát triển về mặt chất lượng. Một ví dụ đơn giản, các nhà cung cấp hàng hóa trong khu vực có thể vui mừng trước nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của họ, nhưng đồng thời một số doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng lao đao vì không thể cạnh tranh trước “cơn lũ” hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
VI VI (Theo Guardian)