03/06/2018 - 18:53

Mỹ không giảm trừng phạt cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 3-6 nhấn mạnh “không được giảm” các biện pháp trừng phạt do Liên Hiệp Quốc (LHQ) đứng đầu áp đặt với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Phát biểu tại cuộc hội đàm 3 bên với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản (ảnh) bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore, ông Mattis cho rằng con đường đi đến các cuộc đàm phán rất “gập ghềnh”, và cần phải duy trì quan điểm phòng thủ, hợp tác, cứng rắn để các nhà ngoại giao có thể đàm phán ở vị thế mạnh trong thời điểm quan trọng này. Theo đó, các cường quốc khu vực cần tiếp tục thực thi tất cả các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Triều Tiên. Ông nhấn mạnh chỉ giảm bớt các biện pháp trừng phạt “khi Triều Tiên thể hiện các động thái có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Yong-moo nói ông “khá thận trọng” do các hành xử của Triều Tiên trong quá khứ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra “những bước đi tích cực” mà Bình Nhưỡng thực hiện gần đây, dường như ám chỉ việc Triều Tiên trả tự do cho 3 công dân Mỹ và việc phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Theo ông Song Yong-moo, các nước có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng và phải tận dụng cơ hội này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera bày tỏ ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore. Ông kêu gọi 2 bên giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc hàng chục năm trước đây.

Trong diễn biến khác, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani  ngày 2-6 khẳng định lại lập trường của Tehran, nêu rõ chương trình tên lửa của nước này chỉ nhằm mục đích phòng vệ và các tên lửa Iran không và sẽ không là mối đe dọa với các quốc gia khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ông Shamkhani đưa ra tuyên bố trên trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Shargh. Ông cho biết chiến lược phòng vệ của Iran dựa trên kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980-1988 và mức độ các mối đe dọa. Ông Shamkhani cho rằng phương Tây không có quyền yêu cầu Iran không được phép chế tạo các vũ khí phòng vệ dựa trên năng lực của chính Iran.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), không có lợi cho hòa bình thế giới, đồng thời nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) phải bảo vệ giá trị cốt lõi của thỏa thuận này. 

Chia sẻ bài viết