MAI QUYÊN
Nhà Trắng đã lên tiếng bác bỏ luận điệu đe nẹt của Trung Quốc đối với khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Ðài Loan trong chuyến công du châu Á đang diễn ra, đồng thời tuyên bố Washington “không hứng thú” với hành động khiêu khích làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Bà Pelosi gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Malaysia tại thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: AP
Ngày 2-8, Chủ tịch Hạ viện Pelosi dẫn đầu phái đoàn quốc hội đã đến Malaysia và có buổi gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Azhar Azizan Harun, trước khi họp riêng với Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob. Trước đó tại Singapore, phái đoàn Mỹ cũng hội đàm cùng Thủ tướng Lý Hiển Long và nhiều thành viên nội các khác. Bộ Ngoại giao Singapore cho biết các quan chức đã thảo luận những vấn đề bao gồm quan hệ hai bờ eo biển Ðài Loan, chiến tranh Ukraine và biến đổi khí hậu. Dự kiến, chặng dừng tiếp theo của bà Pelosi là Hàn Quốc và Nhật Bản, còn Ðài Loan không được nhắc đến.
Trước đó, tin bà Pelosi có ý thăm Ðài Loan đã làm quan hệ Mỹ - Trung chìm trong vòng xoáy căng thẳng mới. Bắc Kinh coi đây là “hành động khiêu khích” và “can thiệp thô bạo” vào công việc nội bộ, là “mối đe dọa” mà Washington “cố tình tận dụng” theo những gì rút ra từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cáo buộc Mỹ làm loãng chính sách “Một Trung Quốc”, Bắc Kinh cảnh báo quân đội “không ngồi yên” nếu bà Pelosi tới Ðài Loan. Khi được hỏi về biện pháp quân sự khả thi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong buổi họp báo đầu tuần chỉ nhắc lại “những diễn biến và hậu quả rất nghiêm trọng”. Theo báo cáo, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu tới gần đường phân cách giữa eo biển Ðài Loan. Tàu chiến nước này cũng tiếp cận gần vùng đệm không chính thức tại eo biển từ hôm 1-8. Các trang mạng nhà nước còn cho đăng video của Bộ Chỉ huy miền Ðông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, trong đó chiếu các cảnh tập trận và chuẩn bị của quân đội cùng lời kêu gọi binh sĩ “đứng trong đội hình chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu theo lệnh, chôn vùi tất cả kẻ thù sắp đến.”
Phản ứng lại, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã bác bỏ luận điệu “vô căn cứ” và “không phù hợp” của Bắc Kinh. Một mặt, quan chức này tái khẳng định Mỹ không vì chuyến đi của bà Pelosi mà thay đổi chính sách về Ðài Loan. Mặt khác, ông cho biết nhiều thành viên Quốc hội Mỹ vẫn thường xuyên thăm Ðài Loan và có đến vùng lãnh thổ này hay không hoàn toàn do bà Pelosi quyết định. Tóm lại, quan chức Nhà Trắng nhận định “ không có lý do gì” để Bắc Kinh biến một chuyến thăm tiềm năng thành “cái cớ” gia tăng hoạt động gây hấn quân sự. “Với tư cách một quốc gia, chúng ta không nên bị dọa nạt bởi những ngôn từ hay những hành động tiềm tàng đó. Ðây là chuyến đi quan trọng đối với Chủ tịch Hạ viện và chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ bà” - ông Kirby nói thêm. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi Trung Quốc hành động “có trách nhiệm” và “kiềm chế bất kỳ hành vi hung hăng nào” nếu bà Pelosi thăm Ðài Loan.
Mỹ điều tàu và máy bay gần Đài Loan
Giữa những đồn đoán, Hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin tiết lộ Mỹ đã thông báo cho một số đồng minh về chuyến thăm Ðài Loan tiềm năng của Chủ tịch Hạ viện. Cũng có tin bà Pelosi có thể tới Ðài Bắc vào đêm 2-8 như một điểm dừng không chính thức và gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn vào hôm sau.
Theo Hãng tin Guardian, hiện có mối lo ngại chung cho rằng bà Pelosi không thăm Ðài Loan sẽ chứng tỏ Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi những lời dọa nạt của Trung Quốc, làm tổn hại vị thế của Washington. Ngược lại, Giáo sư Masahiro Matsumura của Ðại học St. Andrews nói rằng chuyến đi có thể gây ra phản ứng nhưng về ngoại giao hơn là quân sự, bởi rất ít người tin Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ. Dù vậy, Washington bắt đầu luân chuyển tài sản quân đội bao gồm các nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay cỡ lớn đến gần Ðài Loan. Trước đó, nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden lo Trung Quốc thực hiện các bước trả đũa khiêu khích, dấy lên e ngại về một cuộc khủng hoảng mới ở eo biển Ðài Loan làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu và chuỗi cung ứng. Nguy cơ này tạo thêm áp lực mới cho các nhà đầu tư vốn đang đối phó với rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, tác động của xu hướng tăng lãi suất và lạm phát gia tăng trên toàn cầu.