03/08/2017 - 09:42

Mỹ không chủ trương thay đổi chế độ ở Triều Tiên 

Xung quanh căng thẳng về chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 1-8 khẳng định Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên và muốn giải quyết khủng hoảng bằng đối thoại.

 Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Washington Post

“Mỹ không phải là kẻ thù hay mối đe dọa của Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng đang tạo ra mối đe dọa không thể chấp nhận được nên Washington phải phản ứng”- Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao, ám chỉ 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Triều Tiên trong tháng 7.

Ngoại trưởng Tillerson tái khẳng định quan điểm của Mỹ không muốn thay đổi chế độ ở Triều Tiên và mục tiêu là đàm phán, nhưng với điều kiện Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Không như Tổng thống Mỹ Donald Trump thường chỉ trích Trung Quốc- được cho là đồng minh của Triều Tiên, ông Tillerson đưa ra cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn khi cho rằng chỉ Triều Tiên chịu trách nhiệm cho tình hình căng thẳng hiện nay.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng hối thúc Bắc Kinh sử dụng mối quan hệ đặc biệt để tác động lên chính quyền Bình Nhưỡng nhằm kiềm chế chương trình vũ khí.

Quá muộn để ngăn chặn chương trình tên lửa của Triều Tiên

Theo một số nhà phân tích, có thể đã quá muộn để dùng các lệnh trừng phạt ngăn chặn chương trình tên lửa của Triều Tiên bởi dường như nó đã tiến bộ nhiều.

Vụ phóng thử ICBM của Bình Nhưỡng hôm 28-7 cho thấy vấn đề chỉ là thời gian trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong- un sở hữu một ICBM hoàn chỉnh có thể vươn tới bất cứ khu vực nào của Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Năng lực hiện nay của Triều Tiên có thể ngang bằng với Mỹ và Liên Xô hồi thập niên 1960 và 1970, theo Jeffrey Lewis- giám đốc chương trình Không phổ biến vũ khí Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury.

Ông Lewis cho rằng sự phát triển công nghệ của Triều Tiên đi xa đến nỗi việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu và lệnh trừng phạt chỉ “tạo ra tác động rất nhỏ”.

Trong khi đó, Michael Kovrig- cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á thuộc Nhóm chống Khủng hoảng Quốc tế- nhận định: “Các lệnh trừng phạt khắt khe hơn chỉ có thể làm chậm chứ không chặn đứng sự tiến bộ của Bình Nhưỡng trong việc phát triển ICBM. Chính quyền Triều Tiên muốn coi răn đe hạt nhân là yếu tố cần thiết cho sự sống còn của họ và có thể sẵn sàng chịu đựng sự khắc nghiệt cùng cực mà không nao núng”.

Theo ông Kovrig, hiện chỉ có thể kiềm chế sự phát triển vũ khí Triều Tiên bằng cách kết hợp giữa việc gây áp lực, đưa ra các lợi ích và đảm bảo an toàn cho chế độ của họ.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt, tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên đạt mức 3,9% trong năm ngoái, cao nhất trong 17 năm qua.

THANH BÌNH (Theo BBC, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết