10/02/2009 - 09:04

Mỹ khởi động chính sách ngoại giao mới

Phó Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Phó Thủ tướng Nga Ivanov gặp nhau tại Hội nghị Munich.
Ảnh: AP

Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ thay đổi chính sách đối ngoại và một số tín hiệu mới đây từ Washington đã cho thấy điều đó. Tại Hội nghị an ninh quốc tế diễn ra ở Munich (Đức) cuối tuần qua, Phó Tổng thống Joe Biden đưa ra nhiều sáng kiến mới, trong đó có việc Mỹ sẵn sàng “khởi động lại” quan hệ với Nga, đàm phán chứ không dùng vũ lực với Iran.

Các nhà phân tích cho rằng ông Biden đã vẽ lại bức tranh toàn cầu bằng những gam màu mới, ngược lại hoàn toàn với chính quyền cựu Tổng thống George Bush, vốn không thân thiện với các nước đồng minh và đào sâu mâu thuẫn với các quốc gia thù địch. Ông Biden cho biết Nhà Trắng đang tìm kiếm “một âm hưởng mới” trong quan hệ đối ngoại. Mỹ sẽ làm nhiều hơn, nhưng cũng sẽ yêu cầu nhiều hơn từ các nước đối tác.

Trong quan hệ với Nga, theo ông Biden, Washington sẽ “lắng nghe” tiếng nói của Mát-xcơ-va. Mỹ vẫn tiếp tục triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Đông Âu, vốn gây căng thẳng với Nga, nhưng phải xem lại tính hiệu quả của công nghệ và chi phí cho kế hoạch. Mỹ sẽ tham vấn Nga và các đồng minh về vấn đề này.

Chính quyền ông Obama cũng sẵn sàng xem xét yêu cầu của Nga về đàm phán một thỏa thuận mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn I (START 1) sẽ hết hạn vào ngày 5-12-2009. START 1 được ký năm 1991 quy định Nga và Mỹ phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên từ 10.000 xuống còn 6.000 đơn vị. Năm 1993, Nga và Mỹ ký START 2 buộc cắt giảm mạnh số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2002, Nga rút khỏi hiệp ước này để đáp trả việc Mỹ vi phạm Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972.

Đáp lại, Nga cũng thể hiện thái độ tích cực nhằm giảm căng thẳng giữa hai nước. Sau cuộc gặp song phương với ông Biden bên lề hội nghị ở Munich, Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov cho biết Nga cam kết không bố trí tên lửa Iskander tại tỉnh Kaliningrad nếu Mỹ từ bỏ kế hoạch lá chắn tên lửa ở Đông Âu. Nga cũng đồng ý cho Mỹ vận chuyển quân nhu cho chiến trường Afghanistan ngang qua không phận Nga. Sau cuộc chiến 5 ngày ở Gruzia tháng 8 năm ngoái, Nga đã cắt đứt đường vận chuyển hàng hóa cho liên quân ở Afghanistan quá cảnh không phận Nga. Mới đây, Kyrgyzstan cũng tuyên bố đóng cửa căn cứ quân sự cuối cùng của Mỹ ở Trung Á, khiến Washington “như ngồi trên lửa” trong nỗ lực tìm đường thay thế tuyến vận chuyển qua Pakistan thường xuyên bị tấn công.

Đối với Iran, ông Biden lặp lại tuyên bố của Tổng thống Obama rằng Washington sẵn sàng đàm phán với Tehran sau 3 thập niên “đóng băng” quan hệ giữa hai nước.

Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Bush cho rằng với sức mạnh kinh tế và quân sự của một siêu cường, Mỹ có quyền áp đặt những chuẩn mực của mình lên các nước khác. Điều đó đã dẫn đến cuộc tấn công và chiếm đóng Afghanistan và Iraq bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, kể cả từ các đồng minh châu Âu. Do đó, các nhà phân tích cho rằng tân chủ nhân Nhà Trắng đang nỗ lực khôi phục sự ủng hộ của phần còn lại của thế giới, khắc phục hậu quả do người tiền nhiệm để lại. Tuy nhiên, liệu ông Obama có theo đuổi chính sách ngoại giao mới lâu dài hay không, và hiệu quả của nó tới đâu thì chỉ có thời gian mới trả lời được.

N.MINH
(Theo AFP, Reuters, THX)

Phó Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Phó Thủ tướng Nga Ivanov gặp nhau tại Hội nghị Munich. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết