28/08/2021 - 20:25

Mỹ - Israel tiếp nối những bất đồng 

Thủ tướng Israel Naftali Bennett vừa có chuyến công du đầu tiên tới Mỹ giữa lúc chính quyền Tổng thống Joe Biden đang bận rộn với kế hoạch di tản khẩn cấp công dân ra khỏi Afghanistan, đồng thời chuyển hướng trọng tâm đối ngoại từ Trung Ðông sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, khiến cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vốn khác biệt về quan điểm khó mang lại kết quả đột phá nào.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 27-8. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Bennett đã tới thủ đô Washington của Mỹ tối 24-8. Ðây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Bennett kể từ khi nhậm chức thủ tướng Israel hồi tháng 6, thay thế người tiền nhiệm Benjamin Netanyahu sau 12 năm cầm quyền. Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Bennett đã diễn ra ngày 27-8 tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Israel kể từ khi hai ông nhậm chức. Ban đầu, cuộc hội đàm giữa hai ông dự kiến diễn ra ngày 26-8, nhưng bị hoãn lại do vụ tấn công liều chết đẫm máu tại sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan khiến ít nhất 13 binh lính Mỹ
thiệt mạng.

Vị khách chưa từng gặp

Theo giới phân tích, cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Bennett nhằm cài đặt lại mối quan hệ giữa Mỹ và Israel sau giai đoạn lạnh giá dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Netanyahu và cựu Tổng thống Barack Obama. Thời điểm đó ông Biden giữ chức Phó Tổng thống Mỹ. Và hôm 27-8, theo Hãng CNN, lần đầu tiên trong 12 năm qua một thủ tướng Israel bước chân vào Nhà Trắng không phải là ông Netanyahu. Chỉ riêng yếu tố này đã mang lại cảm giác đổi mới trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước. Thủ tướng Bennett cũng nhấn mạnh ông đến với nước Mỹ bằng “tinh thần mới, tinh thần thiện chí, tinh thần hy vọng, tinh thần trung thực và tinh thần đoàn kết nhằm vượt qua những khác biệt, thậm chí đối nghịch, đồng thời cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho Israel”.

Quả thật, cũng theo CNN, chính quyền Biden đã từng hồ hởi đón nhận sự đổi thay trên chính trường Israel ngay sau khi ông Bennett nhậm chức thủ tướng Israel ngày 13-6. Vì thế, dù là cuộc gặp đầu tiên, ông Biden vẫn nói với ông Bennett: “Chúng ta đã là bạn thân của nhau”. Ông Biden còn khen ngợi liên minh cầm quyền của Bennett là “chính phủ đa dạng nhất trong lịch sử Israel”. Ðáng chú ý là trước khi ông Bennett gặp ông Biden tại Nhà Trắng, hai người chưa từng gặp nhau. Ông Bennett là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài hiếm hoi mà ông Biden chưa từng gặp trong suốt sự nghiệp chính trị hơn nửa thế kỷ qua của mình. Trong khi đó, ông Biden gặp ông Netanyahu lần đầu tiên hồi những năm 1980.

Tiếp nối những bất đồng

Thủ tướng Bennett là nhà lãnh đạo cánh hữu và được đánh giá có quan điểm cứng rắn không thua kém gì ông Netanyahu, người mà ông Biden trong chiến dịch tranh cử gọi là nhà lãnh đạo “cực hữu”. Chẳng hạn, tuy tỏ vẻ ôn hòa hơn, không hô hào sử dụng chiến tranh tổng lực hạ bệ chế độ Tehran, ông Bennett vẫn muốn triển khai chiến lược tấn công Iran bằng nhiều giải pháp nhỏ trên nhiều mặt trận, cả về quân sự lẫn ngoại giao. Ông gọi đó là chiến lược “cái chết bởi một ngàn vết cắt” và so sánh cuộc đối đầu Israel - Iran ngày nay như thời Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. “Iran là nước xuất khẩu khủng bố, bất ổn và vi phạm nhân quyền số một thế giới”, ông Bennett mô tả. Giống với người tiền nhiệm, Thủ tướng Bennett cũng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết thời chính quyền Obama, cương quyết phản đối việc thành lập nhà nước Palestine độc lập và ủng hộ mở rộng các khu định cư Do Thái ở Khu Bờ Tây. Ngoài ra, ông Bennett cũng lo ngại kế hoạch của chính quyền Biden rút quân khỏi Iraq vào cuối năm nay. Các quan điểm của ông Bennett về vấn đề khu vực rõ ràng tiếp tục bất đồng với chính quyền Biden.

Trên thực tế, ông Biden không còn dành ưu tiên cho các vấn đề Trung Ðông và các cuộc xung đột kéo dài ở Afghanistan, Iraq. Vì thế, khi cuộc xung đột triền miên tái diễn giữa Israel và Hamas hồi tháng 5, ông Biden chủ động làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Biden giờ đây cũng không mặn mà xúc tiến đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine khi cho rằng các điều kiện hiện tại chưa thích hợp. Ưu tiên quan trọng hàng đầu hiện nay của chính quyền Biden là tái tập trung vào chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó các thách thức từ Trung Quốc, trong khi vẫn đương đầu với Nga. Thế nên phát biểu trước ông Bennett, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân của Iran là lựa chọn đầu tiên của Washington, trước khi tính đến các giải pháp khác nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại.

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết