26/08/2018 - 08:55

Mỹ hồi sinh Hạm đội 2 

Ngày 24-8, Hải quân Mỹ đã chính thức đưa hạm đội hải quân hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh trở lại phục vụ trong lực lượng này giữa lúc quan hệ Nga-Mỹ lại đang bùng phát căng thẳng mới. 

Sự kiện này tiếp nối thông báo hồi tháng 5 vừa qua của Hải quân Mỹ về việc sẽ “hồi sinh” Hạm đội 2. Đây là hạm đội đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh,  hoạt động tại Bắc Đại Tây Dương và hỗ trợ lực lượng hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải. Để tiết kiệm chi phí, từ năm 2011 - thời điểm căng thẳng Nga- Mỹ cơ bản ổn định, hạm đội được hình thành từ năm 1950 này chỉ hoạt động ở mức tối thiểu. Sau khi trở lại hoạt động đầy đủ, Hạm đội 2 thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các lực lượng hải quân của Mỹ dọc vùng Bờ Đông và khu vực Bắc Đại Tây Dương. 

Hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman của Mỹ trong một cuộc tập trận trên Đại Tây Dương. Ảnh: US Navy

Thông báo nối lại hoạt động của Hạm đội 2 được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Nga - Mỹ tiếp tục leo thang, đặc biệt trong tuần qua sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp mới nhằm vào Mát-xcơ-va từ ngày 27-8 với kết luận Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ở Anh hồi tháng 3 vừa qua. Trong chiến lược quốc phòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Nga và Trung Quốc được cho là những mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích của nước Mỹ.

l Ngày 24-8, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích việc Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch hỗ trợ cho Iran là sai thời điểm và sẽ gửi đi thông điệp gây hiểu nhầm tới chính quyền Tehran. 

Trong thông báo mới đã được Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Iran, người đứng đầu Nhóm Hành động về Iran  của Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook ký, Mỹ cho rằng khoản hỗ trợ 20,7 triệu USD của EU sẽ khiến cho chính quyền Iran tiếp tục “thờ ơ với nhu cầu của người dân và trì hoãn những thay đổi chính sách có ý nghĩa”. Ông Hook cho rằng người dân Iran đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế do chính phủ quản lý yếu kém, tham nhũng và hỗ trợ khủng bố. Ông này cũng kêu gọi EU hợp tác với Mỹ để tìm ra những biện pháp cuối cùng “thực sự hỗ trợ người dân Iran và chấm dứt mối đe dọa của chính quyền Tehran với sự ổn định khu vực và toàn cầu”. 

Trước đó, ngày 23-8, EU công bố gói hỗ trợ dành cho các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội bền vững của Iran, trong đó có cả những khoản vốn để phát triển khu vực tư nhân. Đây là khoản đầu tiên trong gói hỗ trợ trị giá 50 triệu euro mà EU dự định dành cho Iran để đối phó với những thách thức kinh tế và xã hội  theo cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung (JCPOA). Sau khi quyết định rút khỏi thỏa thuận này, hồi đầu tháng 8, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran, đồng thời cảnh báo các quốc gia tiếp tục trao đổi thương mại với Tehran.

P.V (Theo TTXVN)

Chia sẻ bài viết