19/05/2021 - 19:32

Mỹ hối hả nâng cấp ngành đóng tàu chiến 

Trước tốc độ đóng tàu “thần tốc” của Trung Quốc, một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ đã đề xuất gói ngân sách trị giá 25 tỉ USD nâng cấp các nhà máy đóng tàu trong nước nhằm duy trì lợi thế trong cuộc so kè vị thế cường quốc cùng Bắc Kinh.

Tàu ngầm hạt nhân USS Chicago trong ụ nổi tại nhà máy đóng tàu Trân Châu Cảng.  Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân USS Chicago trong ụ nổi tại nhà máy đóng tàu Trân Châu Cảng. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tuy thế hệ tàu chiến mới của Trung Quốc chưa có đột phá lớn về mặt kỹ thuật và chất lượng như Hải quân Mỹ, nhưng việc Bắc Kinh mở rộng quy mô hoạt động các xưởng đóng tàu cho thấy quyết tâm của cường quốc châu Á muốn áp đảo về số lượng. Trong giai đoạn 2015-2020, Trung Quốc đã nâng số chiến hạm từ 255 lên 360 chiếc so với 293 tàu của Mỹ. Theo dự đoán, Trung Quốc có thể sở hữu 425 tàu chiến vào năm 2030.

Ðối phó thách thức hàng hải ngày càng tăng từ Trung Quốc, hồi năm ngoài, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Mark Esper đã công bố kế hoạch “thay đổi cuộc chơi” nhằm mở rộng và nâng cao năng lực Hải quân Mỹ. Mục tiêu trước mắt là tăng số lượng tàu chiến lên 355 chiếc. Nhưng khi so về tốc độ đóng tàu của Bắc Kinh, các quan chức quốc phòng lo ngại quy trình đóng mới và bảo dưỡng tàu ở các xưởng đang xuống cấp trong nước có thể cản trở nỗ lực duy trì ưu thế trên biển.

Trong báo cáo thường niên trình Quốc hội về sự phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết Bắc Kinh đang mở rộng cơ sở hạ tầng, cải thiện năng lực để có thể đóng tất cả các lớp tàu chiến. Trong khi đó, 4 nhà máy đóng tàu trọng yếu của Mỹ gồm Norfolk, Portsmouth, Puget Sound và Trân Châu Cảng hiện vẫn đủ nhân lực và vật lực nhưng đều đã hơn 100 năm tuổi. Các cơ sở này do chính phủ điều hành, chuyên đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Nhưng trong 10 năm gần đây, một số nhà máy thường xuyên hứng chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu. Trong cảnh báo chung năm 2011, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia cho biết 56 cơ sở của Hải quân Mỹ trị giá 100 tỉ USD sẽ bị đe dọa do mực nước biển dâng cao và họ chỉ có từ 10 đến 20 năm để đưa ra giải pháp đối phó.

Dự luật vừa được các nghị sĩ trình lên Quốc hội có tên Hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng, bãi và bến tàu năm 2021 (gọi tắt là Ðạo luật SHIPYARD). Dự luật đề nghị bổ sung 21 tỉ USD để sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa bốn nhà máy đóng tàu quan trọng và 4 tỉ USD phân bổ cho các cơ sở tư nhân mà hải quân sử dụng. Theo kế hoạch ban đầu, hải quân dự định 21 tỉ USD được chi trong 20 năm nhưng Ðạo luật SHIPYARD đề xuất thanh toán một lần để đẩy nhanh tiến độ nâng cấp. Trong cuộc thảo luận hồi đầu tháng này, Chủ nhiệm Tác chiến Hải quân Michael Gilday nhấn mạnh hiện đại hóa các nhà máy đóng tàu lỗi thời là một trong những ưu tiên hiện nay cùng với kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới và lực lượng hải vận quân sự.

Theo một số chuyên gia phân tích, Hải quân Mỹ có thể cân nhắc xây một nhà máy đóng tàu mới ở Bờ Tây. Cơ sở này sẽ có vai trò quan trọng khi Washington đang ưu tiên hoạt động ở Thái Bình Dương.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

Chia sẻ bài viết