02/08/2018 - 09:55

Mỹ gia tăng sức ép lên Trung Quốc 

Một nguồn tin thân cận Chính phủ Mỹ tiết lộ, Washington đang đề xuất tăng mức thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách thương mại.

Ảnh: Nikkei

Hôm 10-7, chính quyền Trump cảnh báo áp thuế bổ sung 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiếp tục trả đũa, thay vì thay đổi hành vi thương mại mà Washington cho là “không công bằng”. Hơn 6.000 mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế theo kế hoạch trên bao gồm thực phẩm, hóa chất, thép, nhôm, hàng tiêu dùng và mỹ phẩm. Đầu tháng 7, Washington đã áp thuế 25% lên 34 tỉ USD hàng Trung Quốc và dự kiến tiếp tục đợt thuế bổ sung trị giá 16 tỉ USD trong những tuần tới. Tổng thống Trump từng tuyên bố sẵn sàng leo thang cuộc chiến thuế quan với cảnh báo áp thuế trị giá hơn 500 tỉ USD, tương đương tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, nếu Bắc Kinh tiếp tục trả đũa.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Erin Ennis, mức thuế bổ sung 10% đã là một vấn đề mà nay lại dự kiến tăng lên 25% sẽ khiến tình hình càng tồi tệ giữa lúc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang sa lầy trong cuộc chiến thương mại.

“Vũ khí kinh tế” của Bắc Kinh

Giữa lúc xung đột thương mại Mỹ - Trung trở nên khốc liệt, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công trong bài bình luận gần đây cho rằng Bắc Kinh có thể đang nắm trong tay “vũ khí kinh tế” giá trị nhất trong cuộc chiến thương mại với Washington. Đó chính là du khách Trung Quốc.

Hồi tháng 4, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAA) đã yêu cầu một số hãng hàng không quốc tế thay đổi cách mô tả Đài Loan trên trang web và trong các tài liệu quảng cáo. Trung Quốc cũng đe dọa trừng phạt mạnh tay bất kỳ hãng hàng không nào nhận được yêu cầu mà không tuân thủ. Theo SCMP, nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ tuy chần chừ nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận yêu cầu của Bắc Kinh vào hạn chót 25-7. Theo các nhà phân tích, sự nhượng bộ của các hãng hàng không Mỹ cho thấy du khách Trung Quốc đang có ảnh hưởng đáng kể đối với kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế, Trung Quốc sẽ thay Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong năm 2022. Trong đó, du lịch bằng đường hàng không ở Trung Quốc được đánh giá là thị trường béo bở với số liệu năm 2017 cho thấy sức tiêu dùng của khách đại lục đạt 258 tỉ USD trên toàn cầu, tương đương 20% tổng mức chi tiêu du lịch của du khách thế giới. Chính nhờ sức mạnh chi tiêu mang đến nguồn thu vô cùng quan trọng cho kinh tế địa phương, khách du lịch Trung Quốc đang được coi là “vũ khí kinh tế” chiến lược của Bắc Kinh, bất kể trong cuộc chiến thương mại với Mỹ hiện nay hay những mục tiêu địa chính trị sau đó.

Chẳng hạn như gần đây, hãng Palau Pacific Airways và Sea Passion Hotel buộc phải đình chỉ hoạt động vì lượng khách du lịch Trung Quốc suy giảm sau khi Palau bị liệt vào danh sách “điểm đến du lịch bất hợp pháp” vì duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Năm ngoái, ngành du lịch Hàn Quốc cũng “lao đao” khi thất thu hàng tỉ USD do lượng khách Trung Quốc giảm mạnh khi Bắc Kinh trả đũa việc Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Ngân hàng Hàn Quốc ước tính làn sóng tẩy chay từ Bắc Kinh khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm 0,4 điểm phần trăm hồi năm ngoái.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, WSJ)

Chia sẻ bài viết