27/07/2018 - 07:29

Mỹ - EU giảm căng thẳng thương mại 

Chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tạo ra “bước đột phá” giảm nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương sau khi cả hai đều có những nhượng bộ đáng kể.

Từ nhượng bộ lớn

Sau cuộc gặp hơn hai giờ đồng hồ với Chủ tịch EC Juncker tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm 25-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới rằng ông được đảm bảo các nhượng bộ lớn từ lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) như là một phần trong nỗ lực tránh đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có kim ngạch mậu dịch song phương 1.100 tỉ USD/năm. Cụ thể, ông Trump cho biết EU đã đồng ý tăng nhập khẩu đậu nành và khí thiên nhiên hóa lỏng từ Mỹ.  Ông Juncker xác nhận EU đang nhập khẩu 35% khí thiên nhiên của Mỹ nhưng sẽ phải mua thêm nhiều hơn nữa. Riêng đậu nành, theo hãng tin Reuters, là phần không thể thiếu trong thỏa thuận thương mại giữa Brussels và Washington trong bối cảnh nông dân Mỹ đang nổi giận với chính quyền vì lệnh trả đũa thương mại từ Trung Quốc. “Đậu nành là một thỏa thuận lớn. Và EU sẽ bắt đầu một cách nhanh chóng mua nhiều đậu nành” – ông Trump khẳng định. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 12,3 tỉ USD đậu nành của Mỹ, trong khi EU chỉ mua 1,6 tỉ USD.

Chủ tịch EC Juncker (trái) và Tổng thống Trump hôm 25-7.
Chủ tịch EC Juncker (trái) và Tổng thống Trump hôm 25-7.

Ngược lại, Chủ tịch EC Juncker thông báo dù Washington vẫn duy trì chính sách đánh thuế 25% với thép và 10% với nhôm của EU nhưng “đây là lần đầu tiên người Mỹ đồng ý xem xét lại biện pháp mà họ thực thi đối với thép và nhôm của EU”. Ông Trump cũng hứa sẽ “nán lại mức thuế” nhằm vào xe hơi của EU như đe dọa. Ông Juncker mô tả đó là “sự nhượng bộ lớn” của ông Trump và hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ giữ lời. Ngoài ra, lãnh đạo hai bên thống nhất cần đàm phán xóa bỏ thuế quan, rào cản thương mại và trợ cấp đối với hàng hóa công nghiệp phi ô tô, đồng thời giảm bớt  rào cản thương mại xuyên Đại Tây Dương trên các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm và y tế. “Hôm nay chúng tôi đồng ý khởi động giai đoạn mới cùng nhau làm việc hướng tới mức thuế bằng không, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp hàng hóa công nghiệp ngoài ô tô” – ông Trump nhấn mạnh. 

Đến thắng lợi chính trị

Viết trên Twitter sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố: “Một sự phá vỡ bế tắc đã diễn ra nhanh chóng mà không một ai tin rằng nó có thể. Thật tuyệt khi trở lại đúng hướng với EU. Đây là một ngày rất trọng đại cho thương mại tự do và công bằng”.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định thỏa thuận vừa đạt được giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch EC Juncker tạm thời chỉ làm giảm nguy cơ gia tăng đối đầu thương mại chứ chưa thể giải quyết bài toán thuế quan hiện tại.  Hãng tin AP cho rằng thỏa thuận mới giữa Mỹ và EU rất mơ hồ và các cuộc đàm phán thương mại sắp tới sẽ tiếp tục gây tranh cãi.

Dẫu vậy, việc EU cam kết tăng cường mua khí đốt và đậu nành của Mỹ mang ý nghĩa chính trị lớn hơn. Đó là EU giúp ông Trump thực hiện mục tiêu ưu tiên là tăng cường sự ổn định địa chính trị (nhằm vào Nga) ở các nước mua khí đốt của Mỹ và xoa dịu nông dân Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Chủ tịch EC Juncker cũng tỏ ra nhún nhường với Tổng thống Trump khi hai người gặp nhau ở Phòng Bầu dục. Ông Juncker nói Mỹ và EU là “đồng minh, đối tác gần gũi chứ không phải kẻ thù”, trong khi ông Trump khi trả lời phỏng vấn hãng CBS News mới đây mô tả EU như là “kẻ thù trong thương mại của nước Mỹ”. Đây rõ ràng là một thắng lợi chính trị của ông Trump.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết