28/09/2021 - 20:00

Mỹ - EU bắt tay đối phó Trung Quốc 

Hôm nay 29-9, các quan chức cấp cao Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ gặp nhau để thảo luận những thách thức mà liên minh xuyên Ðại Tây Dương phải đối mặt trong lĩnh vực kinh tế - công nghệ trước sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Phó Chủ tịch EC Vestager. Ảnh: Getty Images

Cuộc họp diễn ra trong khuôn khổ Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ - EU (TTC), sáng kiến được đưa ra hồi tháng 6 nhằm tìm cách “viết ra các quy tắc” cho kinh tế toàn cầu.

Theo Hãng tin Reuters, đại diện phía Mỹ tham dự cuộc họp có Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Ðại diện Thương mại Katherine Tai. Họ sẽ thảo luận với hai Phó Chủ tịch Ðiều hành Ủy ban châu Âu (EC) là Margrethe Vestager và Valdis Dombrovski về giải quyết các tranh chấp thương mại, hợp lý hóa các thủ tục pháp lý và phát triển quy tắc cho các lĩnh vực công nghệ mới nổi ở hai bờ Ðại Tây Dương. “Mỹ và châu Âu có lợi ích chung trong việc đảm bảo những quốc gia khác tuân thủ các quy tắc đó” - một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden nói trước cuộc họp.

EU cảnh giác trước Trung Quốc

Theo giới quan sát, Mỹ - EU khẩn trương thảo luận hợp tác về thương mại và công nghệ cho thấy ý định của phương Tây muốn cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc.

Hồi đầu năm, Ngoại trưởng Blinken khẳng định với các đồng minh châu Âu rằng Washington không ép họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng chính Trung Quốc đang buộc các nước EU suy nghĩ lại khi sự quyết đoán của Bắc Kinh trong vấn đề Hong Kong, nhân quyền ở Tân Cương cho thấy cường quốc châu Á không chia sẻ các giá trị châu Âu. Ngoài ra, các quy chế cạnh tranh thương mại bị cáo buộc không công bằng mà Trung Quốc theo đuổi đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với lợi ích và sinh kế của châu Âu.

Theo Tiến sĩ John R. Deni tại Hội đồng Ðại Tây Dương, châu Âu đang cân nhắc lại các lựa chọn của họ với Trung Quốc khi cơ chế sàng lọc đầu tư đang mở rộng trên khắp lục địa. Ðơn cử như Lithuania, quốc gia này hồi tháng 5 đã rút khỏi diễn đàn hợp tác “17+1” do Trung Quốc dẫn đầu ở Trung - Ðông Âu và gần đây đang xem xét cấm các tổ chức công mua sắm thiết bị “không đáng tin cậy” của Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia. Trong khi đó, Romania đến nay vẫn kiên quyết ngăn các công ty Trung Quốc xâm nhập các lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế.

Liệu EU có nối gót Úc?

Tuy tâm lý thận trọng đang diễn ra ở châu Âu, nhưng một số nước lớn như Ðức, Pháp, Ý vẫn kỳ vọng về “giải pháp thứ 3” giúp họ tránh phải lựa chọn ngả về Mỹ hay Trung Quốc. Tuy nhiên, Tiến sĩ Deni cho rằng cơ hội như vậy đang trở nên hạn hẹp khi các xung đột cơ bản về lợi ích và giá trị ngày càng trở nên xấu đi. Tình huống của Úc gần đây chính là đề tài cảnh giác cho châu Âu.

Giống như nhiều quốc gia khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, hợp tác kinh tế của Úc với Trung Quốc đã vượt qua quan hệ của họ với Mỹ từ nhiều năm trước. Cách đây hai tuần, Canberra gây chú ý khi ký hiệp ước an ninh mới cùng Mỹ và Anh, trong đó bao gồm điều khoản quan trọng giúp họ phát triển tàu ngầm hạt nhân. Ðộng thái này diễn ra tại thời điểm quan hệ giữa Úc và đối tác thương mại lớn nhất trở nên xấu đi. Ðáp lại áp lực từ Bắc Kinh, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison quyết định tăng cường hợp tác với Washington. Theo Tiến sĩ Deni, châu Âu đang trong tình trạng tương tự và hành động của Úc cho thấy cựu lục địa có thể phải sớm đưa ra quan điểm của mình nhằm củng cố lợi ích khu vực trước Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo CNBC)

Chia sẻ bài viết