28/05/2023 - 19:28

Mỹ đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công 

* Ủng hộ nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ

Tổng thống Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy.

Tổng thống Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện McCarthy.

Ngày 27-5, truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp phe Cộng hòa đã đạt thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ công.

Theo các nguồn thạo tin, Nhà Trắng và các nhà đàm phán đã đạt một thỏa thuận trên nguyên tắc để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút trong ngày 27-5 để thảo luận về thỏa thuận. Nếu được Quốc hội thông qua, thỏa thuận sẽ giúp nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, trước khi Bộ Tài chính hết ngân sách để trang trải các chi phí vào ngày 5-6 tới. 

Các nguồn tin trên cho biết theo thỏa thuận, mức chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi đối với tài khóa hiện tại và tài khóa 2024. Hiện chưa có giới hạn ngân sách sau năm 2025. Nhóm đàm phán vẫn đang nỗ lực hoàn tất nội dung thỏa thuận.

Kết quả đột phá này đạt được sau cuộc đàm phán nước rút trước thềm hạn chót đạt thỏa thuận nâng trần nợ công vào tháng 6 tới. Trước đó, hai bên đều giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Phe Cộng hòa đề xuất cắt giảm chi tiêu 130 tỉ USD, với các khoản chi tiêu trong năm tới chỉ hạn chế ở mức bằng năm 2022, coi đây là điều kiện để đạt thỏa thuận tăng trần nợ công. Họ cho rằng không thể nâng trần nợ công nếu chính phủ không có các biện pháp mạnh tay để giảm thâm hụt ngân sách, như cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội và hạn chế diện tiếp cận với Medicaid - chương trình trợ cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Chính quyền Tổng thống Biden phản đối các biện pháp trên, thay vào đó đưa ra kế hoạch giảm một số chi tiêu và tăng thuế đối với những người giàu nhất cũng như các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn.

Ngày 26-5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Bộ Tài chính ước tính sẽ không còn nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ của Chính phủ nếu Quốc hội không nâng trần nợ công (hiện ở mức 31.400 tỉ USD) trước ngày 5-6. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cảnh báo kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc, kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo.

* Trong diễn biến khác, Đại sứ Mỹ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Yohannes Abraham khẳng định Whasington ủng hộ các nỗ lực của khối nhằm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Antara của Indonesia, Đại sứ Yohannes khẳng định rằng quan hệ đối tác Mỹ - ASEAN dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung, như hệ thống luật pháp, hiệp định và quy định quốc tế, như cũng như bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia.

Đại sứ Mỹ khẳng định: “Chúng tôi mong muốn hợp tác với ASEAN để thúc đẩy, bảo vệ và tăng cường hệ thống luật pháp, thỏa thuận và nguyên tắc quốc tế dựa trên luật lệ đó”.

ASEAN duy trì và phát triển các quan hệ đối tác đối thoại và hợp tác với nhiều nước và các tổ chức, thể chế tiểu vùng, khu vực và quốc tế. Kể từ năm 1977, Mỹ - ASEAN bắt đầu khởi động quan hệ đối tác đối thoại.

Đại sứ Yohannes cho rằng Đông Nam Á là khu vực quan trọng và năng động, đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, Mỹ sẽ luôn hợp tác với ASEAN và thông qua ASEAN để tạo ra khu vực hòa bình, thịnh vượng và ổn định.

Ông Yohannes cho hay: “Lợi ích quốc gia của Mỹ là chứng kiến ASEAN thịnh vượng, độc lập, kiên cường và chúng tôi muốn hợp tác với ASEAN vì tất cả những lợi ích chung của chúng ta”.

ĐẶNG ÁNH

Chia sẻ bài viết