Trong chuyến thăm Ukraina lần đầu tiên ngày 22-4, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov và quyền Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, đồng thời có bài phát biểu trước các đảng phái chính trị của nước chủ nhà.
Ông Biden nói rằng việc cựu Tổng thống Viktor Yanukovych chạy khỏi đất nước là "cơ hội lịch sử thứ hai" để Ukraina thực hiện lời hứa mang lại những điều tốt đẹp hơn cho đất nước trong cuộc "cách mạng cam" năm 2004. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố Washington đang sát cánh bên giới chính khách Ukraina chống lại "các mối đe dọa" từ Nga và kêu gọi chính phủ mới ở nước này chống tham nhũng.
Ông Biden cũng thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ bổ sung 50 triệu USD giúp chính quyền lâm thời Ukraina thực hiện cải cách kinh tế và chính trị, trong đó gồm 11 triệu USD tổ chức bầu cử tổng thống ngày 25-5. Ngoài ra, Nhà Trắng cam kết cung cấp trang thiết bị quân sự phi sát thương trị giá 8 triệu USD cho quân đội Ukraina.
Về phía Nga, Phó Tổng thống Mỹ cảnh báo rằng "đây là thời điểm Nga ngưng nói mà phải bắt đầu hành động" theo thỏa thuận Genève, như rút quân khỏi biên giới Ukraina, thúc giục các tay súng ly khai ở miền Đông Ukraina giải giáp và trả lại các tòa nhà chính phủ.
Chuyến thăm Kiev của ông Biden diễn ra giữa tình hình Đông Ukraina càng thêm phức tạp. Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố cho Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) một loạt hình ảnh binh sĩ ở miền Đông Ukraina mà họ cho rằng có thể chứng minh sự hiện diện của lực lượng đặc biệt và tình báo Nga tại khu vực bất ổn này.
Những bức ảnh do các nhà ngoại giao Ukraina cung cấp cho thấy các đặc điểm có thể nhận dạng của quân Nga cũng như sự có mặt của một số binh sĩ với vũ khí và trang bị giống nhau ở nhiều thành phố khác nhau tại miền Đông Ukraina. Cụ thể, một quân nhân được ghi nhận là cùng tham gia phong trào ly khai ở cả Kramatorsk và Slavyansk, đồng thời, người này cũng từng có mặt trong hoạt động quân sự tại Gruzia năm 2008 (ảnh). Một số hình khác cho thấy sự liên hệ của một người vũ trang tại Kramatorsk và Slavyansk với một nhóm thuộc lực lượng đặc nhiệm của Nga. Ukraina cho rằng các hình ảnh này là "chứng cứ cho thấy Nga xúi giục và điều phối các hoạt động ly khai gây bất ổn tại miền Đông". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói rằng "cộng đồng quốc tế đều cho rằng Nga có liên hệ với một số phần tử vũ trang tại miền Đông Ukraina. Và những bức ảnh do Ukraina chụp hồi tuần rồi khẳng định thêm điều đó".
BBC cho biết chưa thể xác thực số ảnh này và Mát-xcơ-va vẫn chưa có phản hồi nào về loạt ảnh vừa công bố. Trước đó, Nga nhiều lần khẳng định không có binh lính, các đơn vị đặc biệt hoặc cố vấn của nước này tại miền Đông nước láng giềng.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm riêng rẽ với hai người đồng cấp Mỹ John Kerry và Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 21-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh chính quyền lâm thời Ukraina không có khả năng và không mong muốn chấm dứt các hành động bạo lực của nhóm "Cánh hữu" theo thỏa thuận Genève. Ông cũng kêu gọi Ngoại trưởng Kerry gây sức ép để Kiev ngăn chặn những "cái đầu nóng" kích động một cuộc xung đột đẫm máu tại Đông Ukraina.
THUẬN HẢI
Mỹ chi 5 tỉ USD "xúc tiến dân chủ" tại Ukraina
* Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình CNN hôm 21-4, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và Âu-Á Victoria Nuland xác nhận bài phát biểu của bà trước một hội nghị ở Washington hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó bà khẳng định chính quyền Mỹ đã tiêu tốn đến 5 tỉ USD để "hỗ trợ nguyện vọng của nhân dân Ukraina về việc xây dựng một chính phủ vững mạnh hơn và dân chủ, đại diện cho quyền lợi của người dân" kể từ khi nước này tách khỏi Liên bang Xô-viết.
Tuy nhiên, bà phủ nhận cáo buộc cho rằng Mỹ đổ tiền để hậu thuẫn làn sóng biểu tình lật đổ Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych hồi tháng 2 vừa qua và nói đó là "phong trào tự phát". |