Vài ngày trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các quan chức Washington đã liên tiếp lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hoạt động bồi đắp phi pháp, đồng thời khẳng định chiến lược quân sự hóa trên Biển Đông không thể mang lại chủ quyền cho Trung Quốc.
Phát biểu tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm 17-9, Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương - Đô đốc Harry Harris khẳng định việc Trung Quốc xây dựng 3 đường băng trên khu vực họ chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là "mối quan ngại lớn về quân sự". Đô đốc Harris nói rằng các công trình phục vụ mục tiêu quân sự hóa vùng biển này của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia trong khu vực bởi nó cho phép Bắc Kinh thiết lập cơ chế kiểm soát trên Biển Đông trong bất kỳ kịch bản xung đột nào.
Đô đốc Harry Harris trong phiên điều trần trước Thượng viện bên cạnh bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy công trình phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP
Do đó, ông Harris khẳng định Mỹ cần mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách triển khai tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở đây. Hiện quân đội Mỹ vẫn đang cân nhắc kế hoạch này, nhưng Đô đốc Harris nhấn mạnh Washington cần có động thái như vậy bởi nó không chỉ bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc mà còn thể hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và sự không công nhận đối với các "đảo nhân tạo vốn không phải là đảo". Có mặt tại buổi điều trần, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho biết hình thức tuần tra như vậy không còn thực hiện từ năm 2012 nhưng có thể là lựa chọn của Mỹ trong tương lai. Ông Shear cũng cam kết Washington sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo Trung Quốc không triển khai vũ khí trên đảo nhân tạo. Theo ông, đây sẽ là một nỗ lực lâu dài.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama không mạnh mẽ phản đối Trung Quốc bằng cách điều tàu tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh khu vực Bắc Kinh cải tạo trái phép trên Biển Đông. Theo ông, đây là "sai lầm nguy hiểm" bởi như vậy chẳng khác nào Washington mặc nhiên công nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh.
Trước đó hôm 16-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã cam kết Washington sẽ không lùi bước trong việc bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Không đề cập trực tiếp Trung Quốc, nhưng ông Carter nhắc lại việc biến một rạn san hô thành sân bay không mang lại chủ quyền hay cho phép quốc gia đó thiết lập hạn chế về hàng không cũng như hàng hải. Lãnh đạo Lầu Năm Góc khẳng định các máy bay, tàu thuyền của Mỹ vẫn hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
MAI QUYÊN
(Theo Reuters, Washington Post)