23/09/2022 - 09:31

Mỹ “cài đặt lại” quan hệ với các đảo quốc Thái Bình Dương 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức vào cuối tháng này nằm trong nỗ lực giúp Washington trở thành đối trọng với sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực. Trọng tâm của cuộc họp 2 ngày tại Nhà Trắng là giải quyết tình trạng thay đổi cán cân trong khu vực sau khi Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Bắc Kinh.

Phó Tổng thống Mỹ Harris phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương ở Fiji hồi tháng 7. Ảnh: News Week

Phần lớn các đảo quốc Thái Bình Dương đều đã giành độc lập hơn 40 năm qua, nhưng GDP bình quân đầu người vẫn chưa tới 5.000USD. Các nước này thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, bất cứ những gì họ phát triển đều bị đe dọa bởi mực nước biển dâng do tình trạng biến đổi khí hậu. Các đảo quốc Thái Bình Dương cần sự giúp đỡ và Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ, các đồng minh trong khu vực bỏ lại.

Trung Quốc và Solomon hồi tháng 4 thông báo đã ký hiệp ước an ninh. Theo đó, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại quần đảo với dân số chưa đầy 700.000 người này. Bắc Kinh cũng có thể triển khai “các lực lượng thích hợp” để bảo vệ nhân viên cùng dự án của họ ở Solomon.

Ðối với các quốc gia Thái Bình Dương, “xoay trục” sang Trung Quốc có sức hút rất lớn. Trong khi Mỹ viện trợ 1,5 tỉ USD trong thập niên qua, mức đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này đã tăng từ 900 triệu USD hồi năm 2013 lên 4,5 tỉ USD năm 2018. Trong 2 thập niên qua, chỉ riêng lĩnh vực khai khoáng đã được đầu tư tới 2 tỉ USD. Chưa hết, không chỉ giúp xây dựng sân vận động đẳng cấp thế giới tại thủ đô của Solomon để phục vụ Ðại hội Thể thao Thái Bình Dương 2023, Bắc Kinh còn cải thiện khả năng kết nối ở Papua New Guinea và Fiji thông qua việc xây dựng cầu và các đường cao tốc.

Mỹ thức tỉnh

Nam Thái Bình Dương từ lâu từng là khu vực chiến lược của Mỹ, quốc gia có các vùng lãnh thổ tại những khu vực như Guam và Hiệp ước Liên kết tự do với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Chính phủ Mỹ qua các nhiệm kỳ không tập trung nhiều vào Nam Thái Bình Dương, nhưng điều này đã thay đổi khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng.

Bộ Ngoại giao Mỹ muốn cho thấy nước này không quên những nhu cầu của các đảo quốc Thái Bình Dương và cũng nhắc lại việc viện trợ 1,5 tỉ USD trong thập niên qua. Tuy nhiên, danh sách chi tiết mà Mỹ đưa ra chỉ là những hoạt động viện trợ, chứ không phải đầu tư vào các nước Thái Bình Dương. Trong đó, Mỹ đã dành 5 triệu USD để tăng cường các viện dân chủ, 3 triệu USD nhằm thúc đẩy quản trị hiệu quả…

Thế nhưng, chỉ đầu tư vào dân chủ là không đủ nuôi sống người dân ở Thái Bình Dương và cũng chẳng thể giúp các nền kinh tế tại đây chống chọi với biến đổi khí hậu.

Do vậy, hồi tháng 7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố những cam kết mới đối với Nam Thái Bình Dương nhằm đối phó Trung Quốc, trong đó có việc xây 2 đại sứ quán mới tại Kiribati và Tonga, tái mở cửa đại sứ quán ở Solomon. Bà Harris cũng tiết lộ kế hoạch tăng gấp 3 lần mức tài trợ lên 60 triệu USD/năm trong thập niên tới cho các dự án ở Thái Bình Dương, bao gồm cơ sở hạ tầng chống biến đổi khí hậu, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và đầu tư vào bảo tồn đại dương. Ngoài ra, Washington sẽ chỉ định một phái viên đầu tiên tới Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) để gia tăng hơn nữa hiện diện ngoại giao tại khu vực.

Chia sẻ bài viết