31/07/2018 - 21:41

Mỹ “bắt tay” đồng minh tăng cường ảnh hưởng tại châu Á 

Mỹ cùng hai đồng minh Nhật Bản và Úc đã nhất trí tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang bơm hàng trăm tỉ USD cho sáng kiến “Vành đai, Con đường”, nối châu Á với châu Âu và châu Phi.

Lãnh đạo 3 nước Nhật - Mỹ - Úc tại một hội nghị trước đây. Ảnh: AP

Tuyên bố chung của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Cơ quan Quản lý Đầu tư tư nhân nước ngoài của Mỹ (OPIC) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho biết: “Mỹ, Nhật Bản và Úc đã thiết lập quan hệ đối tác ba bên nhằm huy động vốn đầu tư vào các dự án kích thích tăng trưởng kinh tế. Sự hợp tác này đại diện cho cam kết của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, toàn diện và thịnh vượng”. Tuyên bố cũng xác định các danh mục đầu tư gồm năng lượng, giao thông, du lịch và công nghệ.

Theo giới phân tích, đây là một phần trong quyết tâm của Mỹ và đồng minh nhằm tái khẳng định ảnh hưởng ở Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực đang đứng trước quan ngại dễ bị sức ép ngoại giao từ Trung Quốc. Dẫu vậy, Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Úc Steve Ciobo khẳng định động thái này không nhằm chống lại Bắc Kinh. Thay vào đó, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho biết quan hệ đối tác 3 bên chứng minh sự cần thiết tăng cường nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặt khác, giới quan sát cho biết dự án hợp tác giữa Mỹ với Nhật Bản, Úc cũng phù hợp với Chiến lược An ninh Quốc gia được chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố vào tháng 12 năm ngoái; coi trọng việc xây dựng chính sách trong “chiến lược cạnh tranh dài hạn” nhằm đối phó nỗ lực của những cường quốc khác đang tham vọng thay đổi trật tự địa chính trị trên thế giới bằng việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Vốn được kỳ vọng sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030, Trung Quốc với sáng kiến “Vành đai, Con đường” đang kêu gọi 500 tỉ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng dọc theo các tuyến thương mại kết nối với cường quốc châu Á. Kế hoạch toàn cầu xây dựng, mở rộng đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, đường ống và nhà máy điện được dự đoán có thể tăng lên tới 1,3 nghìn tỉ USD trong thập kỷ tới.

Trước việc Trung Quốc ngày càng tăng ảnh hưởng trong khu vực trải dài từ bờ Đông của châu Phi, xuyên qua Úc đến Hawaii ở Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 30-7 đã công bố loạt sáng kiến đầu tư ở châu Á tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng trị giá 113 triệu USD. Đây là một phần trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mà chính quyền Trump đang tích cực triển khai. Trong chỉ trích được cho nhằm vào Bắc Kinh, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Washington tin tưởng vào “quan hệ đối tác chiến lược, thay vì phụ thuộc chiến lược”.

Tuy không đề cập trực tiếp Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc trong tuyên bố  chia sẻ quan điểm với Mỹ cho biết Canberra tin tưởng các khoản đầu tư tốt phải bắt nguồn từ sự minh bạch, cạnh tranh công bằng, bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, sử dụng lực lượng lao động địa phương và tránh các khoản vay không bền vững. Úc từng lên tiếng chỉ trích chính sách “ngoại giao mềm” của Trung Quốc, đồng thời tái tập trung chương trình viện trợ các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm lấy lại vị thế trong khu vực. Về phần Nhật Bản, Tokyo cũng đang đẩy mạnh chính sách ngoại giao khu vực với sự kiện mở đại sứ quán ở đảo quốc Vanuatu thời gian gần đây.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg, AP)

Chia sẻ bài viết