Mỹ có thể điều chỉnh kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu nếu Nga đồng ý giúp Washington loại bỏ các mối đe dọa hạt nhân từ Iran và CHDCND Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns tuyên bố như vậy hôm 13-2 trong chuyến thăm Mát-xcơ-va. Ông Burns là quan chức cấp cao đầu tiên dưới thời Tổng thống Barack Obama đến thăm Nga. Quan chức Mỹ cho biết thêm Washington để ngỏ khả năng hợp tác với Nga và các đồng minh khác trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm xây dựng một “hệ thống phòng thủ tên lửa mới sao cho mỗi bên có thể sử dụng các nguồn lực của nhau”. Tuy nhiên, ông Burns không nói chi tiết về đề xuất này.
|
Hệ thống tên lửa Topol-M của Nga. Ảnh: AFP |
Theo các nhà phân tích, tuyên bố của ông Burns xuất phát từ quan điểm chưa vội vàng triển khai 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và một hệ thống radar tại CH Czech của chính quyền tân Tổng thống Barack Obama. Tuần trước, phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Munich (Đức), Phó Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ khi nào chứng minh được nó hiệu quả và sinh lợi. Sự thay đổi lập trường của Nhà Trắng bắt nguồn từ tình trạng kinh tế khó khăn cũng như từ thái độ cứng rắn mới của Tehran và Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân, và Tổng thống Obama muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mát-xcơ-va. Còn nhớ dưới thời Tổng thống Bush, quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng một phần là do Washington cương quyết theo đuổi kế hoạch phòng thủ tên lửa tại Đông Âu bất chấp Mát-xcơ-va lên tiếng phản đối, vì cho rằng nó là mối đe dọa đến an ninh ở khu vực được coi là sân sau của Nga.
Việc Washington có ý định trì hoãn triển khai lá chắn tên lửa tại Đông Âu là điều Mát-xcơ-va đang chờ đợi. Trước đó, Nga từng dọa xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình tại Kaliningrad (tỉnh nằm giữa Ba Lan và Litva - hai thành viên của NATO và EU) nếu Mỹ không dừng kế hoạch đó lại. Song song đó, để mặc cả với Mỹ, Nga đồng ý cho Mỹ sử dụng đường tiếp tế quá cảnh nước này đến chiến trường Afghanistan. Vậy liệu Nga có chấp nhận lấy ván cờ hạt nhân của Iran (và Triều Tiên) để đáp ứng nguyện vọng của Mỹ? Nếu có, Nga sẽ phải hoãn kế hoạch khởi động lại lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy hạt nhân Bushehr vào cuối năm nay, đồng thời phải thông qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tăng cường cấm vận chống Tehran. Trong khi đó, theo quan điểm nhất quán của mình, Nga không ủng hộ Iran phát triển vũ khí hạt nhân nhưng muốn giúp Tehran phát triển hạt nhân dân sự. Rõ ràng, nếu Nga đồng tình với đề xuất của Mỹ thì phải từ bỏ kế hoạch giúp Iran phát triển hạt nhân dân sự để chấm dứt mọi nghi ngờ của Washington.
Nhưng nếu Nga không chấp nhận đề nghị nhượng bộ trên của Mỹ thì sao? Câu trả lời thật khó. Chỉ có điều Nga dường như đang nắm thế chủ động hơn. Để đối trọng với lá chắn tên lửa của Mỹ tại Đông Âu, ngoài hệ thống phòng thủ tên lửa tại Kaliningrad, Nga còn có mạng lưới phòng thủ không gian chung với Belarus, Armenia và một nước Trung Á khác trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), được ví như “NATO của phương Đông”. Do vậy, ngoài vấn đề lá chắn tên lửa, Mỹ có lẽ sẽ còn đưa ra thêm nhượng bộ khác.
Trước mắt có một dấu hiệu nữa cho thấy Mỹ đang muốn xoa dịu quan hệ căng thẳng với Nga. Theo ông Javier Solana, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên kế hoạch gặp người đồng cấp Nga tại Genève (Thụy Sĩ) vào tháng 3 tới.
KIẾN HÒA
(Theo Reuters, AFP, Globalsecurity, RIA Novosti)