24/02/2009 - 21:11

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ giám sát tình hình sản xuất lúa đông xuân 2008-2009:

Mừng, nhưng vẫn còn lo!

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Trưởng đoàn giám sát trao đổi với nông dân về tình hình sản xuất lúa đông xuân 2008-2009.

Thực hiện chương trình giám sát trong năm, trung tuần tháng 2-2009 vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã tổ chức giám sát tình hình sản xuất lúa vụ đông xuân 2008 -2009 tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy, vụ đông xuân 2008-2009, nông dân trồng lúa có lãi khá cao, khoảng 45%. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề sản xuất, tiêu thụ lúa, đời sống của nông dân vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi phải tập trung các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ, như: cải thiện cơ cấu, chất lượng lúa giống, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện bình ổn giá cả, tổ chức lại mạng lưới tiêu thụ lúa... nhằm nâng cao đời sống nông dân.

LÚA ĐÔNG XUÂN CÓ LÃI...

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát tại các địa phương (Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Phong Điền, Ô Môn...), tại thời điểm giám sát vụ đông xuân 2008-2009 mặc dù gặp một số khó khăn nhất định lúc mới xuống giống, nhưng nhìn chung nông dân trồng lúa có lãi từ 40-45%.

Ông Phạm Văn Lưu ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, cho biết: “Do vụ lúa đông xuân thời tiết thuận lợi, dễ chăm sóc nên từ lâu đã trở thành vụ lúa chính của nông dân. Mặt khác, do chủ động mùa vụ, nước tưới tiêu nên trong vụ đông xuân đa số người dân sử dụng các loại giống chất lượng cao, thời tiết khô ráo nên phẩm chất lúa hàng hóa tốt, lại sử dụng ít phân bón, thuốc trừ sâu so với các vụ lúa khác trong năm, nên lợi nhuận cao”. Ông Phạm Văn Lưu cho biết, gia đình ông có 1,3 ha trồng lúa Jasmine, với giá lúa như hiện nay khoảng 4.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi công lãi 1,5-1,6 triệu đồng. Với tỷ lệ lãi như vậy, người dân có thể tái đầu tư và tích lũy để trang trải cuộc sống.

Huyện Vĩnh Thạnh có diện tích trồng lúa khá lớn, với trên 35.000 ha (chiếm hơn 1/3 diện tích trồng lúa hàng năm của thành phố) nên năng suất lúa của huyện sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa của thành phố. Do đó, bên cạnh các yếu tố thời tiết, công sức chăm sóc của nông dân phải kể đến việc tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chức năng để nông dân hạ giá thành sản xuất lúa. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ một phần lúa giống, hướng dẫn nông dân tổ chức xuống giống đồng loạt để né rầy... đầu mỗi vụ sản xuất lúa, các ngành chức năng của huyện tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ năng canh tác cho nông dân”. Ông Đỗ Sĩ Nhường còn cho biết, những năm gần đây, các ngành chức năng của huyện đã tập huấn nhuần nhuyễn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, “bón phân theo bảng so màu lá lúa”... để tiết kiệm chi phí sản xuất cho người dân. Ngoài ra, với 100% diện tích trồng lúa của huyện chủ động các khâu cày ải, toàn huyện có 206 lò sấy lúa, 84 máy gặt đập liên hợp đáp ứng việc cơ giới hóa các khâu sản xuất cũng đã góp phần hạ giá thành sản xuất lúa. Ngoài Vĩnh Thạnh, việc cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa cũng được các địa phương khác đẩy mạnh. Ở Thốt Nốt, có 17 lò sấy, 220 máy suốt lúa, 37 máy cắt xếp dãy và 15 máy gặp đập liên hợp để phục vụ cho toàn bộ 10.000 ha diện tích trồng lúa của quận...

Ngoài làm việc với lãnh đạo UBND, các ngành chức năng của các quận, huyện, Đoàn giám sát trực tiếp gặp gỡ nhiều nông dân ở các địa phương. Qua trao đổi, hầu hết nông dân đều phấn khởi, tự tin cho rằng vụ lúa đông xuân năm nay sẽ đạt năng suất khoảng 7 tấn/ha. Với giá lúa hiện nay, người trồng lúa sẽ có lãi 15-16 triệu đồng/ha. Theo Đoàn giám sát, với tỷ suất lợi nhuận như vậy, nông dân sẽ an tâm sản xuất.

... CÒN TRĂN TRỞ

Mặc dù giá lúa đầu vụ đang ở mức cao, nhưng nhiều nông dân vẫn không giấu được lo lắng. Ông Hoàng Văn Sáu ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Thông thường lúa đầu vụ và cuối vụ giá cao, nhưng vào chính vụ sẽ giảm, trong khi đó nông dân cần phải bán lúa để trang trải chi phí sản xuất nên phải bán ngay”. Ông Hoàng Văn Sáu kể rằng, vụ đông xuân 2007-2008, cùng sản xuất một loại giống, xuống giống đồng loạt với nông dân trong ấp theo lịch thời vụ, nhưng do nhu cầu vốn để trang trải cuộc sống, nên ông lại bán lúa sớm nên giá thấp hơn tới gần 600-700 đồng/kg so với những người trữ lúa lại, do đó lợi nhuận thấp hơn. Giá lúa biến động, được mùa mất giá là nỗi lo lớn của người trồng lúa. Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Thốt Nốt, giá thành sản xuất của 1 kg lúa thường (năng suất khoảng 6,5 tấn/ha) trung bình khoảng 2.400 đồng/kg; còn đối với lúa chất lượng cao giá thành sản xuất khoảng 2.500 đồng/kg. Do đó, tỷ suất lợi nhuận của nông dân hoàn toàn tùy thuộc giá lúa trên thị trường. Trong khi đó, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất lúa luôn biến động, có lúc tăng đột biến.

Ông Nguyễn Hữu Tặng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thốt Nốt, cho biết: “Trong tình hình dư thừa lúa gạo, nông dân thường bị thương lái ép giá. Trong khi đó, nông dân cần phải bán lúa ngay sau khi thu hoạch, nên dù giá bán lúa chính vụ có thấp nhưng cũng đành chấp nhận”. Cá biệt năm 2008, có nhiều nông dân các quận, huyện phải điêu đứng, lâm cảnh nợ nần do lượng lúa tồn đọng không tiêu thụ được khá nhiều.

Ông Mai Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, thành viên Đoàn giám sát, nói: “Hiện nay, cuộc sống của phần lớn nông dân lệ thuộc vào sản xuất lúa. Ước tính, nếu một gia đình có 4 khẩu, sở hữu 1 ha trồng lúa, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm, tính bình quân mỗi khẩu chỉ đạt mức khoảng 5 triệu đồng/năm. Với thu nhập này, cuộc sống, sinh hoạt, học hành của nông dân còn nhiều khó khăn. Đối với những hộ nông dân có đất ít hơn, nhân khẩu đông hơn, cuộc sống càng khó khăn hơn”.

Qua giám sát, hầu hết các địa phương đều cho rằng nếu muốn đạt năng suất, chất lượng cao thì hệ thống đê bao khép kín, thủy lợi nội đồng đảm bảo, kể cả lúa giống. Tuy nhiên, trên thực tế, trong những năm vừa qua, chi phí đầu tư cho hệ thống thủy lợi của các địa phương đều chưa đáp ứng nhu cầu. Bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: “Dù là quận, nhưng trên thực tế Ô Môn còn trên 6.200 ha đất trồng lúa. Hệ thống đê bao chưa khép kín, nhiều kinh thủy lợi xuống cấp, bồi lắng, trong khi đó vốn sự nghiệp thủy lợi của Ô Môn được 100 triệu đồng/năm, do đó hằng năm quận phải trích kinh phí xây dựng cơ bản thêm khoảng 1 tỉ đồng để đầu tư nạo vét 2-3 tuyến kinh, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu”. Ngoài ra, do thiếu nơi nhân giống nên ở Ô Môn còn tới 60% nông dân sử dụng giống mà ngành nông nghiệp khuyến cáo hạn chế sản xuất. Còn theo ông Đỗ Sĩ Nhường, Trưởng Phòng NN&TPNT huyện Vĩnh Thạnh: “Một trong những hạn chế của nông dân là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết hợp tác, chưa gắn kết giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ. Việc tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng gặp nhiều khó khăn”. Theo thống kê của Phòng NT&PTNT huyện, hiện nay ngoài Nông trường Cờ Đỏ bao tiêu 5.500 ha, Công ty Lương thực MeKong bao tiêu được thêm 1.000 ha.

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát, do khâu tiêu thụ lúa qua nhiều trung gian (nông dân bán lúa cho hàng xáo, hàng xáo bán lại cho doanh nghiệp, doanh nghiệp bán lại cho cơ sở xay xát, doanh nghiệp xuất khẩu), nên thông thường mỗi ký lúa nông dân thiệt hại từ 100-200 đồng. Do ít vốn, nên nhiều nông dân phải mua vật tư nông nghiệp trả sau, với giá cao hơn từ 5-15%. Ngoài ra, trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát còn ghi nhận nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương, nông dân phản ánh, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét bình ổn giá vật tư đầu vào, quan tâm kiểm soát phân bón, thuốc trừ sâu không đảm bảo chất lượng, tăng cường hỗ trợ giống chất lượng cao, tổ chức liên kết sản xuất...

* * *

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, nhận xét: “Nhìn chung, quá trình tổ chức chỉ đạo sản xuất của các địa phương diễn ra đúng hướng, phù hợp với điều kiện của từng vùng đất. Nông dân cũng đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn đầu tư giống, máy móc thiết bị để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng thu nhập”. Ông Huỳnh Văn Tiếp cho biết thêm, đợt giám sát vừa qua đã giúp Đoàn ghi nhận những khó khăn, kiến nghị của các địa phương, nông dân để phản ánh với Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo TP Cần Thơ giải quyết nhằm giúp nông dân nâng cao sản lượng, chất lượng lúa, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

 

Chia sẻ bài viết