06/12/2015 - 13:20

Múa ở Cần Thơ từng bước phát triển (*)

LTS: Tại Hội thảo "Nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam– Hành trình và phát triển", biên đạo Huỳnh Nhật Danh – UVBCH Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam (phụ trách khu vực ÐBSCL), Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ múa TP Cần Thơ, đã chia sẻ về sự phát triển và thực trạng loại hình nghệ thuật này ở Cần Thơ hiện nay. Báo Cần Thơ xin trích giới thiệu tham luận này tới độc giả.

Cùng với sự phát triển của nghệ thuật múa cả nước, múa ở Cần Thơ hình thành và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến của quân và dân Cần Thơ. Đoàn Văn công Cần Thơ thành lập năm 1960 đến khi kết thúc sứ mệnh năm 1976, cùng với anh em ca sĩ, nhạc công, nghệ sĩ múa luôn cống hiến cho cách mạng. Những nghệ sĩ, biên đạo thời chiến như Hai Râu, Thu Hồng… đến nay vẫn là tấm gương sáng để anh em nghệ sĩ múa hôm nay học tập, noi theo.

Biên đạo Huỳnh Nhật Danh chuẩn bị đạo cụ cho một tiết mục múa. Ảnh: DUY KHÔI

Kế thừa truyền thống nghệ thuật múa cách mạng, múa Cần Thơ hiện tại đang từng bước phát triển. Hiện, Hội Nghệ sĩ múa TP Cần Thơ có 59 hội viên, trong đó có 26 hội viên đã được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam (1 được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú), hầu hết có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản và vẫn đang hoạt động nghề sôi nổi. Điều đặc biệt là Hội nghệ sĩ múa TP Cần Thơ còn có các nhóm, câu lạc bộ múa ở hệ thống Trung tâm Văn hóa - Thể thao các quận, huyện trong thành phố. Hầu hết trong các nhóm, CLB này đều có hội viên hoặc được Hội đào tạo để "thổi lửa" phong trào. Đội ngũ múa Cần Thơ khá năng động và sống được nhờ nghề. Từ đó, họ tự tin và nỗ lực nâng cao chuyên môn, tìm giá trị riêng trong làng múa.

Nếu như khoảng 15 năm về trước, múa ở Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ chỉ có khoảng 15 thành viên, hoạt động èo uột thì đến nay đã có 8 câu lạc bộ Múa với hàng trăm thành viên tham gia, đa phần là giới trẻ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn TP Cần Thơ có gần 10 vũ đoàn tư nhân, có thể kể đến như: Hồng Anh, Phương Đông, Én Vàng, Ly Ly, TriO… Các vũ đoàn đã đóng góp tích cực cho phong trào múa ở Cần Thơ. Bởi ngoài biểu diễn làm kinh tế, các vũ đoàn còn làm thêm nhiệm vụ tìm kiếm và đào tạo tài năng múa, thúc đẩy phong trào múa ở cơ sở.

* * *

Cái khó của nghệ sĩ múa Cần Thơ hiện nay là thù lao cho việc biên đạo, dàn dựng một bài múa còn quá thấp dù có tư duy, đầu tư thật hoành tráng. Cùng với các môn nghệ thuật khác, múa vẫn đang từng bước hội nhập với xu hướng hiện đại hóa và sự du nhập của các quan điểm nghệ thuật đương đại. Nghệ sĩ múa ở các địa phương vẫn đang bối rối trước sự mới mẻ này. Cần Thơ rất cần Hội nghệ sĩ múa Việt Nam cần thiết có định hướng, bằng tập huấn, sách vở, tài liệu… về múa đương đại cho các địa phương để họ an tâm sáng tạo, không để "tự bơi", "tự bươn chải".

Áp lực đối với người làm nghề là múa đôi lúc còn bị xem nhẹ, coi đó chỉ là phần "phụ họa" hoặc "lấp đầy sân khấu" mà chưa đánh giá thực chất hiệu quả nghệ thuật của múa. Mặt khác, một số bạn trẻ còn chưa hiểu đúng nghệ thuật múa, đan xen với các loại hình tung hê, nhảy nhót (không phải là nghệ thuật nhảy hiện đại) thiếu tính thẩm mỹ.

Một mảng múa đang bị thiếu ở Cần Thơ và cả nước là các tác phẩm về đề tài lịch sử. Ngày càng ít có tác phẩm về đề tài này, đặc biệt là lịch sử địa phương. Sân khấu múa hơn 60 năm qua đã có nhiều sáng tác về đề tài này, như vở kịch múa "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" ra đời những năm 60 của thế kỷ XX, đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, hay những vở kịch múa như" "Giữa vòng vây quân thù", "Lấy thân làm giá súng"... Từ năm 2010 - 2012, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã đầu tư xây dựng 4 vở kịch múa "Ngọn lửa Hà Thành", "Mệnh trời tình đất", "Ngọn lửa trong tim" và "Con đường trái tim". Thiết nghĩ, cần thiết dàn dựng thêm những vở múa về đề tài này theo cách làm hiện đại, tươi mới để thu hút khán giả.

* * *

Nghệ thuật múa ở góc độ văn hóa đã biểu hiện trình độ, tri thức, tư duy thẩm mỹ, sáng tạo nghệ thuật. Múa tham gia vào nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tâm linh và lễ hội với một vị trí đặc biệt. Nhận thức được vai trò đó, đội ngũ nghệ sĩ múa Cần Thơ vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo, yêu nghề kính nghiệp để mang đến những điệu múa có giá trị, nhân văn phục vụ khán giả.

-------------

(*): Tiêu đề do Báo Cần Thơ đặt.

Chia sẻ bài viết