27/09/2015 - 17:05

Mùa mưa, cảnh báo rắn cắn

TP Cần Thơ cùng cả vùng ĐBSCL đang trong mùa mưa, tình trạng nước dâng cao khiến rắn bò vào vườn, vào nhà, thậm chí vào giường ngủ cắn người. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Quân Y 121 (Bệnh viện 121 - Quân khu 9), chuyên cấp cứu rắn độc cắn, tiếp nhận trên 400 người bị rắn hổ, rắn lục tre và rắn lục đuôi đỏ cắn. Không có trường hợp tử vong, nhưng số lượng người bị rắn cắn đến thời điểm này bằng năm 2014.

* Rắn lục đuôi đỏ thường tấn công người

 BS.CKII Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa và Máu, thăm khám bàn chân phù nề vì bị rắn cắn của bà Nguyễn Thị Kim Anh.

Có thể nói, 3 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện 121 là 3 trường hợp điển hình về những ca nhập viện, cấp cứu do bị rắn cắn trong mùa mưa này. Đó là ông Trần Hoàng Sơn (55 tuổi, ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều), nhập viện lúc 9 giờ 40 phút sáng 23-9 vì bị rắn hổ đất cắn vào ngón thứ hai, bàn tay phải. Ông Trần Hoàng Sơn cho biết: "Tôi thường xuyên vào chăm sóc vườn ở quận Cái Răng. Khi làm cỏ, tôi bị rắn hổ đất mổ vào tay. Nhìn thấy con rắn, tôi biết là loại cực độc nên hô hoán. Hàng xóm tức tốc đưa tôi vào cấp cứu ở Bệnh viện 121". Do đưa đến bệnh viện kịp thời nên ông Sơn còn tỉnh táo (không bị hôn mê do nọc rắn hổ đất), nhưng trong hồ sơ bệnh án của ông, bác sĩ khoa Hồi sức - Cấp cứu ghi đậm dòng chữ "theo dõi, tiên lượng nặng". Bác sĩ CKI Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức - Cấp cứu, cho biết: Nọc của rắn hổ đất sẽ làm bệnh nhân bị hôn mê sâu và rối loạn đông máu. Vừa qua, có trường hợp bệnh nhân bị rắn hổ đất cắn, hôn mê, phải thở máy suốt 72 giờ.

Trường hợp thứ hai là bà Nguyễn Thị Kim Anh, ở khu vực 6, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, nhập viện lúc 10 giờ sáng cùng ngày, do rắn lục tre cắn vào chân phải 2 vết. Bà Kim Anh nói: "Tôi hái lá cách để nấu bữa trưa. Con rắn lục tre nằm trên nhánh cây. Do thân hình rắn tiệp với màu lá cây nên tôi không thấy. Khi tôi kéo nhánh cây xuống thấp để hái đọt, con rắn rớt xuống trúng đầu tôi và khi vừa chạm đất liền mổ chân tôi. Tôi hoảng hồn, đạp lên mình rắn, nó quay đầu mổ tôi lần nữa".

Trường hợp thứ ba là em Bùi Thị Kim Duyên, 15 tuổi, ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), nhập viện lúc 19 giờ 30 ngày 19-9 do rắn lục đuôi đỏ cắn 2 vết vào chân. Sau khi được cấp cứu phải nằm điều trị nội trú nhiều ngày tại Khoa Tiêu hóa và Máu do chân bị phù nề. Em Kim Duyên cho biết: Vừa bước ra định đóng cửa nhà, em thấy con rắn và nó phóng lại mổ em. Chị Dương Thị Mãi, mẹ em Kim Duyên, bức xúc: "Từ năm 2014 đến nay, con tôi là người thứ 10 trong xóm bị rắn lục đuôi đỏ tấn công. Có nhà khi đang nằm ngủ, bị rắn lục đuôi đỏ bò vào giường cắn người".

* Phải xử trí đúng trước khi nhập viện

Thời gian qua, Bệnh viện 121 điều trị thành công tất cả trường hợp bị rắn độc cắn nhờ xử trí cấp cứu nhanh. Bệnh nhân được đưa thẳng vào Khoa Hồi sức - Cấp cứu để được xử lý chống nhiễm trùng vết rắn cắn và tiêm huyết thanh kháng nọc rắn. Khoa có 6 máy thở, các trường hợp hôn mê đều được theo dõi thở máy. Khi bệnh nhân tỉnh, được chuyển đến Khoa Tiêu hóa và Máu để tiếp tục điều trị, phục hồi sức khỏe. Thượng tá, BS.CKII Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa và Máu, cho biết: Nhiều trường hợp, do khâu xử trí ban đầu không đúng, nạn nhân bị rắn cắn khi nhập viện vết thương bị sưng tấy, dễ gây rối loạn đông máu. Có trường hợp, sau khi được cấp cứu phải nằm viện nhiều ngày để phẫu thuật loại bỏ phần thịt bị hoại tử; có người phải ghép da. Theo Thượng tá, BS.CKII Nguyễn Văn Vinh, khi bị rắn cắn, nạn nhân phải bình tĩnh, cần được rửa sạch vết thương và băng ép bất động, để hạn chế nọc độc chạy vào hệ thần kinh trung ương. Nguyên tắc băng ép bất động là trên một khớp, chẳng hạn như bị rắn cắn ở bàn chân thì cần bất động cho nạn nhân đến trên đầu gối; sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị. Nạn nhân tuyệt đối không được rạch, nặn vết cắn gây chảy máu vì sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng; không được garo vì có thể gây hoại tử, phải cắt bỏ phần thịt bị tổn thương. Người dân khi làm việc ở khu vực vườn cây, bụi rậm cần đội mũ rộng vành, mang bao tay và ủng để tránh bị rắn cắn. Đối với rắn lục đuôi đỏ là loại đẻ con, có đặc tính hung dữ, có thể tấn công người cả khi không đụng chạm vào nó. Hiện nay, tình trạng nước ngập khi trời mưa không chỉ có ở vùng nông thôn mà cả nội ô thành phố. Bà con nên mang, mặc bảo hộ lao động để phát quang bụi rậm, tránh tình trạng rắn lục tre hoặc rắc lục đuôi đỏ bò vào nhà.

Bài, ảnh: Đình Khôi

Chia sẻ bài viết