30/09/2015 - 21:21

Một số điểm mới của Luật An toàn, vệ sinh lao động

Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được Quốc hội thông qua ngày 25-6, với 7 chương, 93 điều đã bổ sung nhiều chính sách mới so với pháp luật hiện hành.

Luật này quy định việc bảo đảm ATVSLĐ; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Đối tượng áp dụng trong luật này cũng được mở rộng, không chỉ có người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người sử dụng lao động mà còn có cả người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, luật quy định các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động như: thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, ATVSLĐ; nội quy, quy trình và các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Trong đó, quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao…

Về quy định các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, luật quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động; phải thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động…

Luật ATVSLĐ cũng quy định rõ nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, quy định cụ thể việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.

Luật quy định về bảo đảm ATVSLĐ đối với lao động đặc thù là nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật; điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… Đồng thời, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ của các bộ, ngành, địa phương…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

S.H (thực hiện)

Chia sẻ bài viết