 |
Tổng thống Obama chúc mừng một nữ sĩ quan tốt nghiệp Học viện quân sự West Point. |
Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các sĩ quan Học viện quân sự West Point ngày 22-5, Tổng thống Barack Obama tự hào thông báo rằng trong hai cuộc chiến mà nước Mỹ đang can dự thì một đã thành công (Iraq) và một đang tiến triển (Afghanistan). Sở dĩ ông Obama mạnh miệng như vậy là do Washington có kế hoạch đến cuối tháng 8 tới sẽ rút toàn bộ 44.000 binh sĩ chiến đấu ở Iraq về nước, chỉ để lại 50.000 quân nhân hỗ trợ lực lượng an ninh sở tại, và sẽ rút hết lực lượng này trước cuối năm 2011. Còn tại Afghanistan, Lầu Năm Góc sẽ bắt đầu rút quân (hiện là gần 100.000 người) về nước từ tháng 7 năm tới.
Thực tế là ông chủ Nhà Trắng chỉ mới nói với các tân sĩ quan một nửa sự thật. Một nửa sự thật còn lại mà ông không muốn đề cập là binh sĩ Mỹ vẫn đang chịu nhiều tổn thất tại hai chiến trường này, nơi mà người đóng thuế xứ cờ hoa đã gánh chịu 1.000 tỉ USD chiến phí.
Tại Iraq, cuối tuần rồi lại có thêm 2 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, nâng tổng số lính Mỹ chết trận ở đây trong 7 năm qua lên 4.399 người. An ninh ở xứ sở nghìn lẻ một đêm tiếp tục bất ổn với việc thường xuyên xảy ra các vụ tấn công đẫm máu. Gần đây nhất là vụ đánh bom ở thị trấn Khales tối 21-5 làm ít nhất 30 người chết và 80 người bị thương, và vụ đánh bom tại thành phố Hilla hôm 10-5 làm 53 người chết. Cuộc bầu cử quốc hội diễn ra hồi tháng 3 nhưng đến nay Iraq vẫn chưa thể thành lập được chính phủ mới và người ta lo ngại nước này đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng xung đột giáo phái giữa phe Sunni và Shiite. Như vậy, nói Mỹ đã thành công ở Iraq e có phần vội vàng.
Còn tình hình Afghanistan cũng khó được xem là đang tiến triển. Chỉ riêng trong tuần rồi đã xảy ra 4 vụ tấn công lớn của Taliban nhằm vào lực lượng NATO gây nhiều thương vong, trong đó có 6 binh sĩ và một nhà thầu Mỹ thiệt mạng. Cuộc chiến kéo dài 9 năm qua ở quốc gia Nam Á này đến nay đã cướp đi sinh mạng của 997 lính Mỹ. Trong khi đó, bộ máy chính quyền tham nhũng của Tổng thống Hamid Karzai và các cuộc không kích của NATO gây thương vong cho dân thường khiến nhiều người Afghanistan không chịu hợp tác với liên quân, gây khó khăn trong việc truy quét Taliban. 2009 được xem là năm đẫm máu nhất đối với NATO khi có tới 512 binh sĩ thiệt mạng, và tình hình dường như đang diễn biến theo chiều hướng xấu với 213 binh sĩ tử trận kể từ đầu năm nay.
Trong bối cảnh như vậy, không phải là không có cơ sở khi có người hoài nghi khả năng Mỹ sẽ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan theo đúng kế hoạch.
LÊ DÂN