 |
Tổng thống Mỹ Barack Obama và con gái trên chiếc chuyên cơ vừa đáp xuống Bắc Ireland ngày 17-6. Ảnh: AP |
Sáng 17-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt chân tới Bắc Ireland (thuộc Anh) tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) diễn ra hai ngày 17 và 18-6 tại khu nghỉ mát Enniskillen. Ngay tại hội nghị này, dư luận cho rằng ông Obama sẽ không đạt được mục tiêu gì, mà trái lại có thể bị chỉ trích nặng nề từ chính các quốc gia đồng minh, nổi bật là vấn đề “vi phạm tự do viễn thông và Internet”.
Thông thường, Hội nghị thượng đỉnh G8 đều tập trung vào kinh tế. Lần này, Tổng thống Obama dự kiến sẽ đề cập vấn đề chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu. Tuy nhiên, việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thu thập dữ liệu điện thoại và Internet cá nhân bị vỡ lở có thể khiến hội nghị G8 lần thứ 39 trở thành sân khấu tranh cãi gay gắt giữa ông Obama và các lãnh đạo đồng minh cựu lục địa.
Trước đây, Tổng thống Obama từng được nhiều người Âu châu ví như “làn gió mới” về phong cách lãnh đạo cởi mở và thẳng thắn. Tuy nhiên, chương trình do thám của NSA vừa bị phanh phui khiến uy tín của ông chủ Nhà Trắng bị suy giảm. “Chắc chắn, đây không phải là hình thức quảng bá tuyệt vời về nước Mỹ và điều này đang gợi lại những ký ức không mấy tốt đẹp về nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Bush. Sau 4 năm cố gắng xây dựng hình ảnh hài hòa về sức mạnh của Mỹ, vụ việc lần này gây bất lợi cho cả Tổng thống Obama và chính quyền Mỹ ở châu Âu” - nghiên cứu sinh Michael Geary tại Trung tâm Wilson nói.
Theo hãng tin Press TV, các nước đồng minh của Mỹ dự kiến sẽ gây sức ép đối với ông Obama về chương trình do thám ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị. Quy định về thu thập và lưu trữ dữ liệu trực tuyến ở châu Âu nhìn chung có phần chặt chẽ hơn so với Mỹ. “Cá nhân mà nói, công luận châu Âu sẽ không bỏ qua vụ lần này” - Heather Conley thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.
Đặc biệt, chuyện do thám có thể làm chệch mục tiêu đạt được sự đồng thuận về cuộc nội chiến ở Syria của Mỹ. Tờ Bưu điện Washington cho biết, mặc dù tỏ ra tích cực hơn trong việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syrie nhưng quá trình trì hoãn trước đó của Nhà Trắng đã gây “phật lòng” giới lãnh đạo Pháp và Anh. Ngoài ra, hãng tin BBC cho rằng lập trường khác biệt giữa Nga và các quốc gia phương Tây về cách thức giải quyết vấn đề Syrie có thể làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh G8 lần này trừ khi các cuộc thảo luận có thể tập trung vào việc tăng cường cơ hội cho các cuộc đàm phán hòa bình mới tại Genève (Thụy Sĩ).
Theo dự kiến, Tổng thống Obama sẽ có buổi gặp riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 17-6 (giờ địa phương). Giới chức Mỹ cho biết ông chủ Nhà Trắng sẽ lấy lợi ích chiến lược của Nga để “mặc cả” cho sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad. Có điều, dường như sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh David Cameron và ông Putin ngay trước ngày khai mạc hội nghị G8, hai bên đã không thể thu hẹp những bất đồng về cuộc nội chiến ở Syrie. Tổng thống Nga vẫn giữ quan điểm về một giải pháp chính trị-ngoại giao cho cuộc xung đột này, đồng thời cũng lên tiếng bảo vệ việc Nga cung cấp vũ khí cho chính phủ hợp hiến của Tổng thống al-Assad. Ông Putin cũng kêu gọi phương Tây không vũ trang cho “những kẻ ăn thịt người” (một chỉ huy phe nổi dậy từng bị phát hiện moi tim từ thi thể binh sĩ chính phủ) ở Syrie. Lập trường kiên định này của ông Putin báo hiệu sự thất bại của hội nghị G8 trong vấn đề can thiệp sâu vào cuộc nội chiến ở Syrie nhằm hạ bệ Tổng thống al-Assad.
VI VI (Tổng hợp)