10/10/2012 - 21:43

Đọc “Những năm tháng nhọc nhằn”

Một góc nhìn về thanh niên miền Nam trong chiến tranh

 

"Những năm tháng nhọc nhằn" là câu chuyện về lớp thanh niên trẻ miền Nam trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt sau hiệp định Genève. Cuộc chiến nổ ra. Mỗi cá nhân bằng nhiều cách khác nhau đã tìm đến cách mạng với lý tưởng sống đẹp…
Tiểu thuyết của Lê Văn Thảo, NXB Văn hóa- Văn nghệ phát hành quý II năm 2012.

Nhân vật chính là Tân, cậu học trò tỉnh lẻ lên Sài Gòn học lớp đệ nhị. Căn phòng trọ Tân ở còn có 3 người bạn: Quân "nhà quê" học hành chăm chỉ, tháo vát; Khiêm gia đình khá giả, vẻ chán nản, dè chừng và cuối cùng là Nghĩa, đi học để khỏi bị bắt lính. Thời cuộc dần phức tạp khi "Xe jeep chở lính Mỹ chạy trên đường ngày càng nhiều", Nghĩa trốn lên chùa để trốn quân dịch, Khiêm vào trường sĩ quan. Tân sau nhiều lần tiếp xúc với những người có tinh thần cách mạng như Thắm, Quyên, thầy Hầu dạy sử đã nhận thức được hướng đi cho đời mình…

"Những năm tháng nhọc nhằn" đặt trong bối cảnh Sài Gòn phồn hoa của thập niên 50, ngày mọc lên càng nhiều những rạp hát, quán bar đến các con hẻm lao động nghèo chộn rộn thợ thuyền, người đạp xích lô, trẻ con lượm ve chai, bán báo, đánh giày, ông già Tàu đội xửng kẹo đục… Nhiều chương trong sách phản ánh tình hình, bối cảnh của miền Nam. Chính quyền Mỹ- ngụy và bọn mật vụ ra sức bắt bớ, đánh đập người bị tình nghi là Việt cộng gây nên cảnh đau thương, tang tóc: "Có 2 người, không biết chữ làm nghề câu lươn, bị bắt do tìm thấy tập thơ Tố Hữu trong nhà… ông câu lươn bị bắn chết, phơi xác trên hàng rào, không ai tới nhận, mấy ngày sau quạ rỉa còn trơ xương…" (trang 85). Độc giả rợn người với khu nghĩa địa trên đường Lê Văn Duyệt, đoạn từ Lăng Ông- Bà Chiểu về cầu Bông, nối liền Sài Gòn và tỉnh Gia định, là nơi bọn Mỹ, ngụy vứt xác những người mà chúng giết hại. Sự sôi nổi của các phong trào tuyên truyền lý tưởng cách mạng ở các vùng quê…

Trong thời cuộc đó, thế hệ trẻ như Tân, Khiêm, Quân, Nghĩa, Quyên, Thắm với tính cách, quan niệm sống khác nhau đã chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Tình yêu nước và lòng quả cảm đã giúp cho những bạn trẻ như Tân, Thắm, Quyên hăng hái dấn thân chống lại kẻ thù. Quyên chấp nhận từ bỏ cuộc sống giàu sang, sung sướng với ba mẹ nuôi để đi theo cách mạng, Tân theo một người cậu đến tận Củ Chi nghe tuyên truyền về cuộc đấu tranh, tìm hiểu về các địa đạo và giác ngộ cách mạng… Khiêm học trường sĩ quan Đà Lạt với một tâm trạng hoang mang, chao đảo. Cuối cùng, cái chết của cô bạn gái con một gia đình thân Mỹ bị chính bọn Mỹ hãm hại khiến Khiêm đau đớn, trốn khỏi trường và nhảy xuống vực sâu tự vẫn khi bị truy bắt.

Nhà văn Lê Văn Thảo được biết đến qua các tác phẩm "Con mèo", "Lên núi thả mây", "Sóng nước Vàm Nao", "Một ngày và một đời…" với văn phong giản dị, lối kể chuyện mộc mạc, tự nhiên mà giàu tình cảm. Tháng 5 năm 2012, nhà văn được trao giải thưởng Hồ Chí Minh 2012.

"Tôi viết chậm, thường viết về những kỷ niệm, do vậy viết để phục vụ kịp thời là khó khăn. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi có dịp cùng sống và chiến đấu với các chiến sĩ quân giải phóng, do vậy đề tài chiến tranh với những người chiến sĩ bình thường, tình đồng đội của họ đối với nhau vẫn là đề tài tôi yêu thích…", đó là dòng tâm sự của nhà văn Lê Văn Thảo khi nói về các tác phẩm của mình. Trải nghiệm hai cuộc chiến đã giúp cho các trang viết về đề tài chiến tranh của nhà văn trở nên chân thực, sống động, chiếm được một vị trí nhất định trong lòng người đọc.

THẢO YÊN

Chia sẻ bài viết