22/05/2021 - 08:01

Mong manh thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas 

Tối 20-5 (giờ địa phương), Nội các Israel đã thông qua lệnh ngừng bắn đơn phương tại Dải Gaza, tạm kết thúc cuộc chiến hơn 10 ngày với phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.

Tổng thống Mỹ Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 20-5. Ảnh: AP

Theo Kênh truyền hình Channel 12, lệnh ngừng bắn chính thức có hiệu lực từ 2 giờ sáng 21-5. Thông tin trên được đưa ra sau một cuộc họp nội các an ninh do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập, trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Israel và Hamas kéo dài sang ngày thứ 11.

Theo dữ liệu của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ), ít nhất 219 người Palestine, trong đó có 63 trẻ em, đã thiệt mạng ở Gaza trong cuộc giao tranh Israel - Hamas. Các nguồn tin cho biết có 12 người tại Israel đã chết. Ngoài ra, hàng ngàn người khác bị thương, chủ yếu ở Gaza và Bờ Tây.

Do vậy, cộng đồng quốc tế, bao gồm LHQ, Liên minh châu Âu, Mỹ và Anh, đã lên tiếng hoan nghênh lệnh ngừng bắn trong khi nhiều người dân Palestine đổ ra đường ăn mừng thỏa thuận. Trong đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab kêu gọi tất cả các bên hợp tác để duy trì lệnh ngừng bắn một cách bền vững và chấm dứt bạo lực trong khu vực.

Tuy nhiên, Ezzat El-Reshiq, thuộc nhánh chính trị của Hamas, khẳng định: “Thực sự xung đột đã chấm dứt ngày hôm nay, nhưng Thủ tướng Netanyahu và thế giới cần biết rằng tay chúng tôi vẫn đặt trên cò súng và sẽ tiếp tục nâng cao khả năng kháng chiến”. Ông El-Reshiq cho rằng Israel phải chấm dứt những vi phạm tại Jerusalem và giải quyết những thiệt hại do các vụ oanh tạc vào Dải Gaza.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu trước sức ép quốc tế phải miễn cưỡng đồng ý ngừng bắn. Trước đó, ông nhiều lần tuyên bố chiến dịch không kích vào Dải Gaza sẽ tiếp tục “chừng nào còn cần thiết”.

Ai đứng sau lệnh ngừng bắn?

“Tôi tin chúng ta có một cơ hội thực sự để đạt được tiến bộ và tôi cam kết nỗ lực hướng tới điều đó”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng vào tối 20-5, đồng thời đánh giá cao vai trò trung gian của Ai Cập trong việc dàn xếp thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas. Tổng thống Biden đã gửi “lời cảm ơn chân thành đến người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và các quan chức cấp cao tại Cairo, những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngoại giao này”.

Tuy nhiên, ông Biden cũng ca ngợi “chính sách ngoại giao âm thầm và không ngừng” của chính quyền Washington. Các nguồn thạo tin tiết lộ chủ nhân Nhà Trắng tin rằng cách tiếp cận “hậu trường” của ông với Thủ tướng Netanyahu đã đóng vai trò quyết định trong việc chấm dứt bạo lực nhanh hơn. Thật ra, không lâu trước khi phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nói chuyện với ông Netanyahu, đánh dấu lần thứ hai họ trao đổi trong ngày 20-5 và là cuộc điện đàm thứ 6 giữa hai nhà lãnh đạo này trong 11 ngày diễn ra xung đột. Hôm qua, Tổng thống al-Sisi cũng đã cảm ơn nhà lãnh đạo xứ cờ hoa vì vai trò của ông trong việc giúp sáng kiến của Ai Cập về lệnh ngừng bắn ở Gaza thành công.

Cách tiếp cận của Tổng thống Biden tô đậm chính sách ngoại giao cá nhân thay vì những bình luận công khai, mặc dù ông chịu chỉ trích từ chính những nghị sĩ đảng Dân chủ vì không lên tiếng mạnh mẽ. Tuyên bố ngắn gọn vào tối 20-5 mới chỉ là lần đầu tiên Tổng thống Biden đưa ra phát biểu chính thức trong 11 ngày qua. Trong giai đoạn tương đối im lặng này, Nhà Trắng nhấn mạnh mức độ liên lạc giữa ông Biden, các nhân vật chủ chốt khác bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken với những quan chức ở Israel, Ai Cập, Jordan và một số quốc gia tại Trung Ðông. Tổng số cuộc điện đàm được cho là lên tới 80.

 HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết