Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, trong hai năm tới, cả khu vực cần khoảng 7.000 - 8.000 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) phục vụ sản xuất...
* ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “An Giang có sản lượng lương thực bình quân hàng năm trên 3 triệu tấn, đứng cao nhất nước. Trước năm 2006, toàn bộ diện tích lúa của tỉnh chỉ thu hoạch bằng thủ công, tỷ lệ hao hụt khá lớn (chiếm 7,06%) với sản lượng lúa tổn thất hàng năm trên 160.000 tấn (tương đương 640 tỉ đồng). Nhiều vùng nông thôn trong tỉnh nông dân gặp khó khăn khi vào mùa thu hoạch do thiếu nhân công cắt lúa và chi phí sản xuất ngày càng tăng. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ vốn tín dụng với lãi suất 0% và trả chậm trong vòng 3 năm để khuyến khích nông dân đầu tư trang bị máy gặt lúa, máy sấy và máy cấy lúa... Nhờ đó, chỉ hơn 2 năm số lượng máy nông nghiệp tăng nhanh. Hiện nay, An Giang có 909 máy gặt lúa các loại, ứng dụng trên gần 57.000 ha và chiếm 26% so với tổng diện tích canh tác lúa của tỉnh; có hơn 2.700 máy sấy lúa và sản lượng lúa hàng hóa thông qua sấy đạt trên 40%...”.
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Trong những vụ lúa gần đây, Kiên Giang đang dần cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Đến nay, toàn tỉnh có trên 270 máy GĐLH, đảm bảo thu hoạch được trên 20% diện tích lúa đông xuân 2008-2009. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp, giá thành thu hoạch lúa bằng máy GĐLH khoảng 1,25 triệu đồng/ha, trong khi cắt lúa bằng thủ công khoảng 2 triệu đồng/ha...”.
|
Mẫu máy gđlh được các kỹ sư trong nước thiết kế. |
Thời gian qua, TP Cần Thơ đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân (vay vốn có hỗ trợ lãi suất) mua máy GĐLH. Đến nay, chương trình này đã hỗ trợ nông dân mua được khoảng 30 máy GĐLH, nâng tổng số máy GĐLH của thành phố hiện có lên gần 200 máy các loại. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Theo xu hướng phát triển cần phải cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất dần cải tiến máy GĐLH phù hợp hơn với vùng đất và nông dân cũng sẽ nâng cao trình độ vận hành máy hiệu quả hơn. Vì vậy, tới đây tại thành phố sẽ có thêm nhiều máy GĐLH...”.
Ông Phạm Văn Tình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, cho biết: “ĐBSCL là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước với 2 vụ gieo trồng là đông xuân và hè thu. Tổng sản lượng lúa của vùng chiếm 50% cả nước, đóng góp trên 90% sản lượng lúa xuất khẩu của Việt Nam. Trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa là khâu đã được nông dân áp dụng cơ giới hóa với tỷ lệ cao nhất gồm: khâu làm đất, tưới tiêu, phun thuốc, thu hoạch, vận chuyển, sấy khô... Riêng trong khâu thu hoạch lúa, việc sử dụng máy GĐLH đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Sau những thành công của những cơ sở sản xuất máy cắt lúa xếp dãy, các máy GĐLH đã ra đời và được đưa vào áp dụng thu hoạch lúa. Các máy GĐLH này chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các cơ sở trong nước đã cải tiến từ các máy cũ nhập ngoại hoặc tự chế tạo mới. Theo số liệu thống kê trong năm 2007 ở ĐBSCL chỉ có 476 máy GĐLH, nhưng đến nay đã có trên 2.000 máy GĐLH và 3.500 máy cắt xếp dãy. Tuy nhiên, với số lượng máy hiện có cũng chỉ thu hoạch được khoảng 12% diện tích lúa đông xuân trong vùng (xuống giống 1,5 triệu ha)...”.
* MÁY GĐLH NHẬP KHẨU ĐANG CHIẾM ƯU THẾ
Toàn vùng ĐBSCL cần đầu tư thêm 7.000-8.000 máy GĐLH nữa mới đáp ứng được 50% diện tích thu hoạch cơ giới vào năm 2010, trong khi ngành cơ khí trong nước chưa đủ năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu.
Từ nhu cầu thực tế, các dòng máy GĐLH Trung Quốc nhập vào và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường khu vực ĐBSCL. Theo kỹ sư Ngô Văn Hóa, Phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông An Giang, tỉnh từng có 5 cơ sở và một công ty cơ khí chế tạo máy GĐLH, thế nhưng, trước sức ép cạnh tranh của các dòng máy GĐLH nhập khẩu từ Trung Quốc, các cơ sở này nhanh chóng “chuyển hướng” từ chế tạo sang cải tiến máy GĐLH Trung Quốc cho phù hợp hoạt động ở vùng đồng bằng, để bán lại cho nông dân có nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất. Chủ cơ sở cơ khí Dũng (xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết, năng lực của cơ sở chỉ sản xuất được 15 máy nhưng nhập máy Trung Quốc về cải tiến lại và bán ra được 150 máy/năm. Ngoài các cơ sở cải tiến, có 5 doanh nghiệp và chi nhánh hiện đang phân phối máy GĐLH Trung Quốc cung ứng cho nông dân An Giang và các tỉnh lân cận khoảng 500 máy/năm. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Minh Phát đang bán ra các dòng máy GĐLH của Tập đoàn FOTON - Trung Quốc sản xuất. Kỹ sư Nguyễn Xuân An phụ trách thị trường, chi nhánh tại An Giang của công ty này cho biết, máy GĐLH FOTON sau khi được công ty cải tiến đưa ra thị trường có thương hiệu là Minh Phát 5 có ba mẫu (loại hàm cắt 2m, động cơ 65 HP, công suất thu hoạch 5-6 ha/ngày với thời gian 10 giờ). Ưu điểm của các dòng máy này sử dụng sàn rung kết hợp quay ly tâm, có hai buồng đập kết hợp sàn sảy nên độ sạch cao, cắt được lúa ướt và ít hao hụt. Giá bán 195-205 triệu đồng/máy. Còn kỹ sư Nguyễn Đình Dũng, Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Vinh Thái tại ĐBSCL cho hay, vụ đông xuân này, công ty sẽ cung cấp cho nông dân ĐBSCL dòng máy GĐLH nhãn hiệu 4LZ-160B (Tập đoàn Liễu Lâm, Trung Quốc sản xuất), hàm cắt 2m, động cơ 71HP, công suất thu hoạch 6ha/ngày.
Từ ngày 26-3 đến 1-4-2009, tại tỉnh An Giang, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang tổ chức vòng chung kết Hội thi máy GĐLH thu hoạch lúa vùng ĐBSCL năm 2009. Có 11 đơn vị (các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất máy GĐLH) tham gia vòng thi này gồm: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Minh Phát, Công ty cổ phần Cơ khí An Giang, Doanh nghiệp Nhựa Hoàng Thắng, Cơ sở Cơ khí Đức Ngươn, Cơ sở Cơ khí Hai Tính, DNTN Nhựt Thành, Doanh nghiệp Vinh Thái, Cơ sở Cơ khí Phan Tấn, Cơ sở Cơ khí Dũng, Cơ sở Cơ khí Tư Sang và Cơ sở Cơ khí Vạn Phúc.
Hội thi nhằm tuyển chọn ra những loại máy GĐLH có khả năng vận hành tốt trên thực tế đồng ruộng, cho hiệu quả cao trong thu hoạch lúa. Từ đó, giúp nông dân lựa chọn những mẫu máy GĐLH phù hợp với khả năng kinh tế và điều kiện sản xuất, tăng hiệu quả trong sản xuất lúa. Đồng thời, qua hội thi cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất máy GĐLH tiếp tục đầu tư cải tiến các kiểu máy cho phù hợp hơn với thực tế đồng ruộng ở vùng ĐBSCL.
A.K |
Thạc sĩ Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, nói rằng các cơ sở chế tạo máy GĐLH trên địa bàn An Giang đều bắt nguồn trên nguyên lý hoạt động của máy GĐLH nhập khẩu. Đầu những năm 1990, máy GĐLH đã xuất hiện nhưng không phù hợp hoạt động ở vùng đồng bằng, các cơ sở bắt đầu manh nha chế tạo máy GĐLH theo các mẫu này. Đến khi máy GĐLH của Trung Quốc nhập vào, họ nhanh chóng chuyển sang cải tiến. Cách làm này có thể xem là tích cực, vì đã đáp ứng được lộ trình cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa. Ngành nông nghiệp không phân biệt loại máy sản xuất trong nước hay nhập khẩu, miễn sao làm việc tốt trên đồng ruộng, giá cả phù hợp, được nông dân chọn sử dụng. Qua bốn lần hội thi máy GĐLH ở ĐBSCL cho thấy, máy của các cơ sở địa phương đoạt giải cao, nhưng do sản xuất thủ công nên không có phụ tùng thay thế, sửa chữa. Ông Thành nói, lộ trình sản xuất máy GĐLH trong nước phải mất vài năm nữa ngành cơ khí mới có khả năng sản xuất qui mô công nghiệp.
Công ty cổ phần Cơ khí An Giang là đơn vị có kinh nghiệm nhiều năm chế tạo máy gặt xếp dãy cung ứng cho thị trường cả nước và xuất khẩu. Kỹ sư Bành Quốc Minh, Trưởng phòng Kế hoạch sản xuất - kinh doanh, nói, Cơ khí An Giang đã nghiên cứu nhiều năm nhưng mãi đến năm 2008 mới đưa ra thị trường hai dòng máy GĐLH GĐ 1.8 và GĐ 2.0. Tuy nhiên, đây là sản phẩm liên doanh giữa Cơ khí An Giang với Công ty Thiết bị nông nghiệp Mịch La Trung Thiên Long Châu (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc). Năm 2008 vừa qua, công ty đã bán được 120 máy. Đến đầu năm 2009, Cơ khí An Giang mới cho xuất xưởng máy GĐLH chính hiệu “Made in Viet Nam”.
Kỹ sư Huỳnh Văn An, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, cho biết ngày 26-3-2009, Cơ khí An Giang đưa máy GĐLH chính hiệu “Made in Vietnam” tham gia Hội thi máy GĐLH khu vực ĐBSCL do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia tổ chức tại huyện Châu Thành (An Giang). Sau hội thi, Cơ khí An Giang sẽ sản xuất sản phẩm thương mại bán ra thị trường cuối năm 2009. Ngành nông nghiệp đang trông chờ dòng sản phẩm máy GĐLH “Made in Vietnam” đầu tiên được sản xuất theo qui mô công nghiệp tại ĐBSCL.
VŨ HÀ ANH KHOA