08/07/2008 - 10:02

Mông Cổ - mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của Nga và Mỹ

Biểu tình phản đối kết quả bầu cử tại Thủ đô Ulan Bator ngày 1-7 vừa qua. Ảnh: AFP

Có lẽ không phải vô duyên vô cớ mà gần đây báo chí Mỹ, cụ thể là tờ Wall Street Journal và Washington Post, đưa nhiều tin bài bày tỏ lo ngại đối với việc Nga đang tăng cường các hoạt động nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại Mông Cổ, đất nước Trung Á giàu tài nguyên thiên nhiên.

Wall Street Journal cho biết các doanh nghiệp Nga đang sở hữu 49% cổ phần trong ngành đường sắt cũng như trong các ngành công nghiệp khai thác đồng và vàng tại Mông Cổ. Báo này cho hay chính quyền George Bush “quan ngại sâu sắc” trước việc Nga thiết lập cơ chế hợp tác quân sự lâu dài với Mông Cổ và có ý định giúp nước này xây dựng một lò phản ứng hạt nhân. Wall Street Journal còn cảnh báo Mông Cổ có thể trở thành một “vệ tinh kinh tế” của Mát-xcơ-va.

Trong khi đó, tờ Washington Post cho biết Mỹ rất quan tâm thúc đẩy hợp tác với Mông Cổ, nhà cung cấp nguyên liệu uranium lớn của thế giới. Báo này cho rằng trong bối cảnh giá dầu tăng cao như hiện nay, Washington phải tìm kiếm nhiều nguồn năng lượng bổ sung, trong đó có năng lượng hạt nhân mà trước hết là nguyên liệu uranium. Mông Cổ hiện đứng thứ 3 thế giới về trữ lượng uranium (khoảng 1,3 triệu tấn), chỉ sau Australia và Kazakhstan. Washington Post giục chính phủ Mỹ phải có biện pháp nào đó để tạo dựng vị thế ở Mông Cổ.

Không chỉ giàu uranium, Mông Cổ cũng được thiên nhiên ưu đãi về các loại khoáng sản khác như than, đồng, hợp kim, vàng, sắt, kẽm.... Trữ lượng vàng của Mông Cổ ước đạt 3.000 tấn và trữ lượng đồng có thể trên 30 triệu tấn. Những năm gần đây, chính phủ Mông Cổ không còn giữ cơ chế độc quyền đầu tư khai thác tài nguyên dưới lòng đất và cho phép các công ty nước ngoài tham gia. Theo các nhà phân tích, do đặc thù là quốc gia láng giềng gần gũi, Nga và Trung Quốc có lợi thế hơn trong việc đầu tư khai thác tài nguyên tại Mông Cổ. Nga có chung đường biên giới dài 3.543 km, trong khi Trung Quốc có đường biên giới chung dài 4.677 km. Dẫu vậy, vẫn còn cơ hội cho Mỹ và các quốc gia khác bởi chính quyền nước này sẵn sàng mở rộng cửa cho các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới trong nỗ lực đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi sự trì trệ kéo dài.

Giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng kinh tế Mông Cổ vẫn lạc hậu do mâu thuẫn sâu sắc giữa đảng Cách mạng Nhân dân Mông Cổ (MPRP) cầm quyền và đảng Dân chủ đối lập về đường hướng phát triển, và đây có lẽ cũng là “yếu điểm” để các thế lực bên ngoài tìm cách gây ảnh hưởng và chi phối quốc gia này. Hiện Nga ủng hộ MPRP, đảng vừa giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ngày 29-6, trong khi Mỹ hậu thuẫn đảng Dân chủ. Cần nhắc lại là trước khi người dân Mông Cổ đi bỏ phiếu, Wall Street Journal từng “đoán mò” rằng MPRP sẽ bại dưới tay phe đối lập. Đây là lý do làm dư luận từng nghĩ đến một cuộc “cách mạng sắc màu” có thể diễn ra tại Mông Cổ khi lực lượng đối lập phát động cuộc biểu tình bạo động để phản đối kết quả bầu cử, làm 5 người chết và hơn 300 người bị thương.

V.P (Theo Pravda, al-Jazeera, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết