Hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", từ năm 2007 đến nay, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Trường THCS Thạnh Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh đã lồng ghép học tập, làm theo gương Bác với các phong trào của ngành giáo dục, như: "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo"
Năm 2011, Trường THCS Thạnh Lộc được Ban Dân vận Thành ủy tặng Giấy khen Tập thể điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phát huy kết quả đạt được, tập thể giáo viên trường vẫn không ngừng phấn đấu, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp "trồng người" như lời Bác Hồ kính yêu từng dạy.
|
Giáo viên Trường THCS Thạnh Lộc chú trọng lồng ghép giới thiệu về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các bài giảng. |
Không khí ở Trường THCS Thạnh Lộc vô cùng nhộn nhịp. Dưới sân trường, từng tốp học sinh đang nô đùa với khuôn mặt vui tươi, hớn hở. Trên lớp học, chị Nguyễn Thị Huyền Trân, giáo viên dạy tiếng Anh đang bắt giọng cho học sinh hát một bài trước giờ tan học. Chị Trân cho biết: "Mỗi giáo viên chúng tôi luôn cố gắng tạo môi trường học tập gần gũi, thân thiện cho học sinh. Các em thấy thoải mái thì việc học mới có tiến bộ. Đó cũng là mục tiêu chúng tôi muốn đạt được trong quá trình học tập và làm theo gương Bác". Tuy trường còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng phần lớn giáo viên của trường đều cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học. Chẳng hạn, đối với môn tiếng Anh, trường chưa có phòng nghe nhìn, các giáo viên vận dụng nhiều biện pháp như dùng sơ đồ tư duy, sao chép phần nghe vào USB rồi dùng máy vi tính phát lại cho học sinh nghe... Chị Trân nói: "Tôi tâm đắc ở Bác Hồ ý chí vượt khó, kiên trì trong mọi công việc. Chính vì thế bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp đều nỗ lực để có thể giúp các học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất".
Không chỉ noi theo gương Bác bằng sự nỗ lực phấn đấu vượt khó để dạy tốt, chị Trân còn lồng ghép việc giáo dục tấm gương đạo đức của Người vào từng tình huống sư phạm, từng chủ điểm trong chương trình sách giáo khoa. Theo chị Trân, trước đây có một vài học sinh chưa ngoan, ức hiếp bạn bè. Chị đã dùng các câu chuyện về lòng yêu thương con người của Bác để giáo dục các em về đức tính khiêm tốn, lòng yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế. Các học sinh này đã tiến bộ rõ rệt về nhận thức, học chăm hơn và thân thiện với bạn bè hơn. Trong chuyên môn, đối với các chủ điểm trong môn học, chị đều kể cho các em nghe những câu chuyện liên quan. Như khi dạy đến chủ điểm sức khỏe, chị Trân kể về tấm gương rèn luyện thân thể của Bác Hồ và nhấn mạnh lời dạy của Bác: "Mỗi người dân yếu thì cả nước yếu, mỗi người dân khỏe thì cả nước khỏe. Nhân dân khỏe mạnh thì nước nhà chóng phú cường". Đối với chủ điểm học hành, chị kể về tấm gương học ngoại ngữ của Bác. Từ một anh phụ bếp dưới tàu Latusơ Têrêvin, Bác tự học và biết nhiều thứ tiếng, như: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha,
Chị Trân nói: "Hiệu quả của những tiết học có kể chuyện về Bác là vô cùng to lớn. Các em đều ngoan và chăm chỉ hơn trong từng tiết học của tôi". Em Lê Thị Cẩm Tiên, học sinh lớp 9A1, cho biết: "Từ những bài học về tấm gương của Bác, em và các bạn trong lớp cũng sôi nổi, hào hứng tham gia đóng góp hỗ trợ bạn có hoàn cảnh khó khăn, giúp bạn học yếu cùng tiến bộ
".
Năm học 2012-2013, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, giáo viên dạy Lịch sử của trường đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với nội dung "Nâng cao chất lượng trong việc dạy và học Lịch sử". Chị Hiền chia sẻ: "Bác Hồ từng nói "Dân ta phải biết sử ta - Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
", vì vậy, tôi luôn cố gắng hết sức để giúp các em có niềm say mê với môn học. Học theo Bác đối với tôi không chỉ là sự phấn đấu, noi theo gương Bác của cá nhân mà còn là gieo ngọn lửa đam mê lịch sử cho các thế hệ học trò
". Theo chị Hiền, nhiều học sinh còn ngán ngại môn lịch sử vì sự khô khan của sách giáo khoa. Nhằm giúp các em tiến bộ hơn, chị đã thường xuyên kiểm tra, giải đáp thắc mắc để em tự hào về truyền thống của cha anh, vun bồi tình yêu Tổ quốc. Năm 2011, chị mày mò làm mô hình "Chiến thắng sông Bạch Đằng" gần 2 tháng. Chị Hiền cho biết: "Từ những miếng cạc-tông, tờ lịch cũ, vỏ hộp sữa
tôi đã tạo nên mô hình để các em có điều kiện trực quan sinh động. Nhờ liên tục có những sản phẩm dạy học nên các em học sử rất hăng say".
Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS Thạnh Lộc, cho biết: Nhờ việc tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực của học sinh mà hằng năm kết quả tốt nghiệp THCS của trường đều đạt 100%; tỷ lệ lên lớp năm 2011-2012 đạt 98,25% - cao nhất từ khi thành lập trường. Số lượng giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố, học sinh giỏi cấp thành phố cũng không ngừng tăng lên. Năm học 2011-2012, cán bộ, giáo viên trường cũng có 20 sáng kiến kinh nghiệm và 36 đồ dùng dạy học được các cấp công nhận. Thầy Lộc nói: "Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã mang đến luồng sinh khí mới trong toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh của trường".
Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương Bác, hàng năm, Ban Giám hiệu nhà trường đều phát động giáo viên, công nhân viên đăng ký học tập và làm theo tấm gương của Bác theo hai nội dung là "xây" và "chống". Năm học 2012-2013, 23 giáo viên, công nhân viên của trường đã đăng ký đầy đủ các nội dung học tập và làm theo gương Bác, như: luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng học sinh; lịch sự khi giao tiếp với phụ huynh học sinh, đồng nghiệp
Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm Trường THCS Thạnh Lộc có 2 giáo viên, công nhân viên được nhận Huy hiệu Bác Hồ. Thầy Lộc cho biết: "Năm học 2012-2013, Ban Giám hiệu trường đã đưa hình thức tọa đàm các câu chuyện về Bác trong các buổi họp chuyên môn, họp hội đồng sư phạm. Bên cạnh đó, trường tiếp tục duy trì phong trào kể chuyện về Bác trong học sinh vào đầu tuần cũng như tổ chức bình chọn, khen thưởng các em kể chuyện hay, ý nghĩa về Bác vào cuối tháng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ đức dục, trí dục
".
Bài, ảnh: PHẠM TRUNG