Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có sự lo lắng nhất định đối với thị trường tiền điện tử, đặc biệt đây là thị trường non trẻ nhưng có tốc độ phát triển nhanh.
Tiền điện tử là gì?

Việc cho phép lưu hành tiền điện tử có thể gây ra rủi ro thanh khoản và bất ổn cho nền kinh tế.
Tiền tiền điện tử hay tiền kỹ thuật số, tiếng Anh là electronic currency, electronic money, e-cash, digital currency, digital money, digital cash. Nó không giống với những đồng tiền giấy và tiền xu truyền thống có thể cầm nắm được, là một đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên Internet qua hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử.
Tiền điện tử pháp định và không pháp định
Tiền điện tử pháp định là loại tiền điện tử được chính phủ các nước phát hành và công nhận có giá trị thanh toán giống như tiền giấy và tiền xu. Bạn có thể mua sắm các loại hàng hóa, chi trả cho các dịch vụ đã sử dụng, chi trả học phí...
Trong khi đó, tiền điện tử không pháp định là loại tiền được phát hành bởi các công ty, tổ chức tư nhân không phải nhà nước, do vậy chúng không được chính phủ công nhận, nhưng được công nhận giữa các thành viên trong một số cộng đồng nhất định. Hiện có hơn 5.660 loại tiền điện tử (pháp định và không pháp định) và hơn 60 quốc gia cho phép lưu hành một số loại tiền điện tử. Các loại tiền điện tử được giao dịch phổ biến là Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB), DigiByte (DGB), Maker (MKR), DigiByte (DGB), ChainLink (LINK)...
Giá trị tiền điện tử bị thổi phồng?
Cơn sốt giá tiền điện tử bắt đầu từ cuối năm 2020 và tăng rất mạnh đến đầu tháng 11-2021. Điển hình là đồng Bitcoin có thời điểm giao dịch ở mức 67.582 USD, trước khi giảm về 65.312 USD/Bitcoin vào ngày 14-11-2021. Sự tăng giá của Bitcoin cùng một số loại tiền điện tử khác đã đẩy giá trị giao dịch trên thị trường của tiền điện tử vượt mức 3.000 tỉ USD.
Tuy nhiên, mới đây Cơ quan quản lý tài chính Vương quốc Anh FCA đã cảnh báo về mối liên hệ giữa phương tiện truyền thông xã hội và các khoản đầu tư tiền điện tử.
Chủ tịch FCA, ông Charles Randell, cho biết: “Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được những kẻ lừa đảo trả tiền để giúp họ mua và bán các mã thông báo (token) mới dựa trên sự đầu cơ thuần túy. Một số người có ảnh hưởng đã quảng bá cho các đồng xu hóa ra là hoàn toàn không tồn tại”.
Ông nói thêm rằng, do công nghệ này còn mới dẫn đến thiếu dữ liệu chu kỳ biến động của tài sản kỹ thuật số. “Chúng tôi chỉ đơn giản là không biết câu chuyện này sẽ kết thúc khi nào hoặc như thế nào với giá biến động như thế này, nhưng với bất kỳ suy đoán nào - nó có thể không kết thúc tốt đẹp”.
Lập luận của Charles không phải không có căn cứ, khi Kim Kardashian, một người nổi tiếng với hơn 200 triệu người theo dõi trên Instagram đã thừa nhận là được trả tiền để quảng cáo mã thông báo tiền điện tử trên tài khoản của mình vào đầu năm nay. Trong khi đó, nhiều người có tầm ảnh hưởng khác trên mạng xã hội đã quảng bá cho loại tiền này mà chúng ta có thể không biết được.
Rủi ro an toàn cho nhà đầu tư
Một trong những vấn đề mà IMF lo ngại nhất hiện nay là nhiều người dân và các tổ chức tài chính giao dịch các tài sản này khi chúng còn thiếu các quy định vận hành, không có sự kiểm soát của chính phủ. Do đó, IMF cho rằng nhà đầu tư có thể gặp rủi ro trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Hơn nữa, IMF tin rằng tài sản tiền điện tử tạo ra một số “khoảng trống dữ liệu” và có thể mở ra những cánh cửa không mong muốn cho hoạt động rửa tiền, cũng như tài trợ khủng bố.
Các tổ chức khác đã kêu gọi hành động nhiều hơn để làm cho các khoản đầu tư này an toàn hơn. Tiền điện tử có thể là một chủ đề gây tranh cãi, với một số người cho rằng nó là tương lai của tiền tệ và những người khác đưa ra những lập luận hoài nghi.
Bên cạnh đó, trong Bản Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu, IMF cho biết việc sử dụng tiền điện tử và tiền kỹ thuật số hóa tại mỗi quốc gia đều có thể mang đến những rủi ro đáng kể và không thể lường trước được đối với các nước đang phát triển muốn thúc đẩy nền kinh tế bằng hình thức này.
Theo IMF, việc cho phép lưu hành tiền điện tử của các chính phủ có thể cản trở nỗ lực thiết lập chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, gây ra rủi ro thanh khoản và gây bất ổn cho nền kinh tế. Mặc dù báo cáo không nêu tên El Savador, quốc gia gần đây áp dụng Bitcoin là tiền tệ hợp pháp, IMF cũng đã nói nhiều lần về việc luật Bitcoin của đất nước đặt ra “các vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính và pháp lý”.
Hoàng Thy (Theo E-Commerce Times)