01/05/2021 - 08:08

Mốc son mới trong nền ngoại giao Việt Nam 

Ngày 30-4, Việt Nam đã hoàn thành tháng Chủ tịch lần thứ hai của nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ) 2020-2021, qua đó điểm thêm một mốc son vào lịch sử nền ngoại giao nước nhà.

Ngày 19-4, trên cương vị Chủ tịch HÐBA LHQ tháng 4-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên thảo luận mở cấp cao của HÐBA về chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Thành công mà Việt Nam gặt hái được lần này tại HÐBA, cơ quan quan trọng nhất của LHQ có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới, là không hề dễ dàng khi mà đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành khắp nơi, các cuộc xung đột ngày càng gia tăng căng thẳng và Myanmar - một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) - đang rơi vào bế tắc chính trị. Ba phiên họp điểm nhấn cấp cao do Việt Nam đề xuất và chủ trì về “Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột”, “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” và “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được các nước ủy viên HÐBA nhất trí bỏ phiếu ủng hộ để ra được hai Tuyên bố Chủ tịch và một nghị quyết.

Với sự kiện quan trọng nhất của tháng về thúc đẩy hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 19-4, Việt Nam đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới thông qua Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa LHQ và các tổ chức cũng như các cơ chế đa phương.

Là đại diện duy nhất của ASEAN tại HÐBA, Việt Nam đã thể hiện và làm nổi bật tinh thần ASEAN, khiến chính Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phải công nhận tầm quan trọng của khối các nước Ðông Nam Á trong ngoại giao hòa giải, ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình quốc tế. Tại phiên họp này, ông Guterres đã khẳng định vai trò sống còn của ASEAN khi khu vực đối mặt với một cuộc khủng hoảng khẩn cấp như Myanmar.

Chủ đề Việt Nam lựa chọn đưa ra thảo luận là “hết sức kịp thời và đúng lúc” với những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên thế giới, mặc dù việc hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực luôn là trọng tâm ưu tiên của LHQ ngay từ khi mới thành lập vào năm 1945, Ðại sứ Olof Skoog, Trưởng Phái đoàn thường trực Liên minh châu Âu, đã nhận định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN.

Việt Nam để lại những ấn tượng tích cực với cộng đồng quốc tế khi chọn đưa vấn đề giải quyết bom mìn ra phiên thảo luận cấp cao ngày 8-4 vì bom mìn đã và vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây đau thương cho hàng triệu người dân ở các nước đang có chiến tranh hoặc vừa đi qua chiến tranh. Chỉ riêng trong năm 2020, LHQ đã ghi nhận 7.000 người bị thương và tử vong vì bom mìn, trong đó có tới gần 2.000 nạn nhân là trẻ em. Một lần nữa, Việt Nam đã cho thấy tinh thần luôn đặt con người ở trung tâm khi đưa ra đề xuất. Là quốc gia đã từng trải qua chiến tranh và chịu nhiều hậu quả thương đau của chiến tranh, Việt Nam chia sẻ, cảm thông sâu sắc với người dân các nước đang phải đối mặt với tình trạng bom mìn đang đe dọa sự sống của họ từng ngày.

Trước đây, một số nước trong HÐBA không ủng hộ đưa vấn đề trên lên bàn nghị sự. Năm 2019, hai ủy viên không thường trực HÐBA lúc đó là Bỉ và Hà Lan đã đề xuất vấn đề giải quyết tình trạng bom mìn là chủ đề thảo luận nhưng không được chấp thuận do vấp phải sự phản đối của Mỹ.

 Với vấn đề  “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” Việt Nam chủ trì ngày 27-4 vừa qua, nghị quyết do Việt Nam soạn thảo đã được tất cả 15 nước ủy viên HÐBA và hơn 50 quốc gia thành viên LHQ đồng bảo trợ. Có thể nói đó là một thành công hết sức ấn tượng vì mặc dù việc bảo vệ người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột là một trong các ưu tiên Việt Nam đặt ra khi tham gia HÐBA nhiệm kỳ 2020-2021, nhưng vấn đề này trước đây hiếm khi được thông qua để được đưa ra thảo luận ở phiên cấp cao của HÐBA. Như vậy, rõ ràng nhiều nước tại HÐBA đã bắt đầu nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề này sau khi tận mắt chứng kiến rất nhiều vụ việc vi phạm luật nhân đạo đối với người dân ở các nước, các khu vực chiến sự như Yemen, Syria, Tigray (Ethiopia), Nam Sudan, Ukraine và Nigeria.

Phiên thảo luận mở về chủ đề “Phụ nữ, hòa bình và an ninh - Bạo lực tình dục trong xung đột” diễn ra ngày 14-4 cũng là một điểm sáng nữa trong các sáng kiến của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HÐBA.  Thành công của phiên họp không được thể hiện trên văn bản chính thức như Tuyên bố Chủ tịch hay nghị quyết liên quan do tính chất phức tạp của vấn đề, nhưng Việt Nam đã giới thiệu tới các thành viên HÐBA cách tiếp cận toàn diện hơn đối với một chủ đề hết sức cấp thiết và đáng suy nghĩ. Theo số liệu của LHQ, trong vòng một năm qua, đã có tới 2.500 vụ vi phạm bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái. Ðau lòng hơn, các nạn nhân không dám lên tiếng để tìm kiếm sự giúp đỡ do lo sợ bị kỳ thị và ruồng bỏ. Chính tại diễn đàn này, nhiều đại diện các tổ chức đã cùng góp tiếng nói với Việt Nam để kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết mạnh mẽ tìm kiếm công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục, bảo vệ họ và hỗ trợ để họ có thể tiếp tục được sống cuộc đời bình thường.

Tháng 4 đã khép lại, nhưng những gì Việt Nam đã làm được trên cương vị Chủ tịch HÐBA lần thứ hai nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ tạo đà cho Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành quả mới trong 8 tháng còn lại của nhiệm kỳ.

Ðảm nhiệm thành công tháng Chủ tịch HÐBA cũng chính là sự thể hiện không thể sinh động hơn việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại vừa được đề ra trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII vừa qua.

Tổng kết tháng Việt Nam là Chủ tịch, đến ngày 29-4, HĐBA LHQ đã tổ chức 27 hoạt động chính thức, trong đó có 5 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo, 2 cuộc họp thông qua nghị quyết, 7 cuộc họp thương lượng nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống thông tấn của LHQ. HĐBA đã thông qua 12 quyết định, bao gồm 4 nghị quyết và 2 tuyên bố của Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 1 thông tin báo chí.

HẢI VÂN (TTXVN)    

Chia sẻ bài viết