21/04/2022 - 07:38

Mở ra tương lai cho y học cổ truyền 

MAI QUYÊN

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận việc xây dựng Trung tâm Y học Cổ truyền Toàn cầu (GCTM) ở Ấn Ðộ mở ra tiềm năng kết hợp các phương pháp thực hành cổ xưa với khoa học hiện đại trong lĩnh vực y học.

Từ trái sang: Tổng Giám đốc WHO Ghebreyesus, Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth và Thủ tướng Ấn Ðộ Modi tại lễ khai trương GCTM. Ảnh: Getty Images

Trung tâm mới của WHO tạm thời đặt tại Học viện Giảng dạy và Nghiên cứu Ayurveda ở thành phố Jamnagar phía Tây Ấn Ðộ, cho đến khi văn phòng chính thức hoàn thành vào năm 2024. Ấn Ðộ đã đầu tư 250 triệu USD cho dự án, mang theo kỳ vọng của Thủ tướng Narendra Modi về ngành y học cổ truyền trong nước đạt tiêu chuẩn và tầm quan trọng trên toàn cầu trong 30 năm tới. “Thiết lập quan hệ đối tác mới thông qua GCTM, WHO đã cho thấy sự tôn trọng tiềm năng và đóng góp của Ấn Ðộ. Chúng tôi coi đây là một trách nhiệm to lớn và sẽ hỗ trợ đưa ra các giải pháp y tế tốt hơn cho người dân trên thế giới" - Thủ tướng Modi phát biểu tại lễ ra mắt GCTM hôm 19-4.

Hiện doanh thu của ngành công nghiệp Ayush Ấn Ðộ (viết tắt của hệ thống phương pháp chăm sóc sức khỏe truyền thống Ấn gồm Ayurveda, Yoga & Naturopathy, Unani, Siddha và Homoeopathy) đạt 18,1 tỉ USD, tăng từ 3 tỉ USD của năm 2014.

Y học cổ truyền ngày càng nổi bật

Theo Hãng tin AFP, thế giới có khoảng 80% dân số áp dụng phương pháp y học cổ truyền. Ðây là thuật ngữ mô tả tổng thể kiến thức, kỹ năng và thực hành của nhiều nền văn hóa bản địa khác nhau đã được sử dụng theo thời gian trong chăm sóc sức khỏe cũng như ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh tật. Các phương pháp tiếp cận phổ biến gồm kết hợp nhiều loại thuốc dựa trên thực vật, động vật và khoáng sản; liệu pháp tâm linh, kỹ thuật thủ công và bài tập như châm cứu, yoga, Ayurvedic (hệ thống chăm sóc sức khỏe theo y học Hindu truyền thống của người Ấn Ðộ) cùng nhiều liệu pháp bản địa khác.

Ðánh giá của WHO ghi nhận hiệu quả của y học cổ truyền ngày càng nổi bật trong khoa học hiện đại. Khoảng 40% dược phẩm được phê duyệt và đang sử dụng có nguồn gốc từ các chất tự nhiên. Ðơn cử như việc phát hiện ra aspirin dựa trên công thức y học cổ truyền sử dụng vỏ cây liễu, thuốc tránh thai được phát triển từ rễ của cây khoai mỡ hoang dã và các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em dựa trên cây dừa cạn. Nghiên cứu đoạt giải Nobel về artemisinin để kiểm soát bệnh sốt rét cũng bắt đầu bằng việc xem xét những tài liệu y học cổ đại của Trung Quốc.

Trong số 194 nước thành viên của WHO, có tới 170 quốc gia chấp nhận tính chính thống của việc kết hợp thuốc Ðông và Tây y kể từ năm 2018. Tuy nhiên, chỉ 124 quốc gia có điều luật hoặc quy định rõ về sử dụng thảo dược và khoảng một nửa trong số này ban hành chính sách quốc gia liên quan phương pháp và những loại thuốc đó. Trong bối cảnh như vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus coi việc đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận với phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả là một phần quan trọng trong sứ mệnh của WHO. Hiện tại, cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc đã đưa trí tuệ nhân tạo vào sử dụng để lập bản đồ bằng chứng và xu hướng trong y học cổ truyền, sàng lọc các sản phẩm tự nhiên về các đặc tính dược động học. Sắp tới, sự ra đời của GCTM được kỳ vọng mang lại thêm nhiều công cụ giúp khai thác tiềm năng của khoa học để củng cố cơ sở bằng chứng cho y học cổ truyền.

Chia sẻ bài viết