21/04/2021 - 11:04

Mô hình trồng xen canh 

Nhiều nông dân huyện Cờ Đỏ đã chọn phương án trồng xen canh 2 loại cây ăn trái trên cùng diện tích vườn canh tác và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trên giúp các nhà vườn hạn chế rủi ro trước tình trạng “được mùa mất giá” và hạn chế thấp nhất “điệp khúc trồng chặt”. Qua đó, nhiều nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.  

Trồng xen mít và thanh nhãn

Năm 2019, sau khi thuê 2,5ha đất ở Nông trường Sông Hậu, ông Lê Văn Suốt ở ấp 5, xã Thới Hưng đầu tư phát triển mô hình trồng mít xen canh thanh nhãn Bạc Liêu. Qua gần 3 năm chăm sóc, vườn mít đã cho trái ổn định, thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, riêng thanh nhãn Bạc Liêu đang phát triển xanh tốt. Ông Suốt nói: “Cây cây mít Thái có tuổi thọ không cao nên tôi quyết định trồng xen canh với thanh nhãn Bạc Liêu. Dự kiến sau 3-4 năm thu hoạch, tôi sẽ đốn bỏ mít để chăm sóc vườn thanh nhãn. Hình thức trồng xen canh này giúp tôi tiết kiệm được thời gian cải tạo mới vườn và có thu nhập ổn định”.

Theo ông Suốt, mít trồng 15 tháng có thể thu vụ trái đầu tiên. Ưu điểm của mít Thái là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư không lớn và có trái quanh năm. Tuy nhiên, để trồng mít đạt hiệu quả cao, người trồng phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ông Suốt chia sẻ: “Để hạn chế sâu ăn trái, khi trái mít non to bằng cổ tay là bao lưới. Cách làm này vừa hiệu quả mà còn tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường”. Đối với cây mít đang cho trái, phải thường xuyên tỉa cành, tuyển trái, tùy vào từng cây mà để số lượng trái ít hay nhiều. Một số bệnh thường gặp trên cây mít là bị xì mủ, bị xơ đen. Theo ông Suốt, để hạn chế xơ đen, người trồng phải bón phân cân đối, kết hợp với tuyển trái và phun thuốc phòng ngừa. Không chỉ phát triển mô hình làm vườn, ông Suốt còn ký hợp đồng với các công ty phát triển mô hình nuôi cá tra gia công, với diện tích ao nuôi 1,3ha, thu nhập gần 1 tỉ đồng/năm.

Na Đài Loan xen thanh nhãn

Ông Nguyễn Vũ Phương (thứ 3 từ trái qua), Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cùng lãnh đạo Huyện ủy Cờ Đỏ tham quan mô hình trồng na Đài Loan của anh Nguyễn Văn Chương.

Anh Nguyễn Văn Chương ở ấp 1, xã Thới Hưng phát triển mô hình trồng na (mãng cầu) Đài Loan xen canh thanh nhãn Bạc Liêu để hạn chế rủi ro và có thu nhập ổn định. Với diện tích 30ha đất thuê ở Nông trường Sông Hậu, anh Chương trồng 24.000 cây na và 3.000 cây thanh nhãn Bạc Liêu. Anh Chương cho biết: “Na Đài Loan là giống mới, với ưu điểm không cần thụ phấn, ít hạt, quả to, ngọt… nên được nhiều nhà vườn chọn để trồng. Hiện tại, giống na Đài Loan trên thị trường chưa xuất hiện nhiều nên tôi quyết định nhân giống để bán ra thị trường”.

Năm 2020, anh Chương đã xuất bán được 2.000 cây na Đài Loan với giá 55.000 đồng/cây. Hiện tại, anh Chương đang ghép và nhân giống được 7.000 cây na Đài Loan. Dự kiến, anh Chương tiếp tục thuê thêm 6ha đất ở Nông trường Sông Hậu để mở rộng diện tích trồng na Đài Loan. Trước khi trồng na Đài Loan, anh Chương đã phát triển mô hình trồng chuối cấy mô ở tỉnh Hải Dương. Năm 2015, do hết hạn hợp đồng thuê đất, anh Chương đến Cần Thơ thuê đất để phát triển mô hình trồng na xen canh nhãn. Anh Chương chia sẻ: “Tôi đang trồng thí nghiệm na Đài Loan xen thanh nhãn Bạc Liêu. Qua 2 năm chăm sóc, 2 loại cây ăn trái rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Hiện tại, tôi phát triển mô hình ghép, bán cây na giống ra thị trường kết hợp với việc xử lý cho thanh nhãn ra hoa để có thu nhập. Sau 3, 4 năm, tôi đốn bỏ thanh nhãn Bạc Liêu để phát triển na Đài Loan chuyên canh”. 

Giống na Đài Loan rất dễ trồng nhưng đòi hỏi phải chăm sóc đúng quy trình cây mới mang lại hiệu quả. Giai đoạn na Đài Loan ra đọt non là rất dễ bị bệnh và côn trùng tấn công nên phải phun thuốc theo định kỳ, đồng thời phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp. Song song đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt, kháng được sâu, bệnh; đồng thời, phải cung cấp đủ lượng nước cho cây. Trung bình na cho trái 2 vụ/ năm. Từ khi xử lý ra hoa đến thu hoạch là 5 tháng. Đến khi trái na to bằng cổ tay là tiến hành bao trái để hạn chế ruồi vàng đục trái. Na Đài Loan có trọng lượng từ 0,5-1kg/trái.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, để hỗ trợ hội viên, nông dân, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội Nông dân huyện đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc vườn cây ăn trái, trồng lúa với 400 lượt hội viên tham gia; tổ chức 17 cuộc hội thảo đầu bờ về kỹ thuật trồng mít với 578 lượt cán bộ, hội viên tham gia… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho 6.355 hộ vay 186 tỉ đồng để phát triển sản xuất và nhận ủy thác từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 3 tỉ đồng cho 97 hộ vay phát triển sản xuất mô hình làm vườn tại xã Thới Hưng. Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục vận động hội viên phát triển các mô hình kinh tế tập thể; ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình làm vườn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết