21/04/2024 - 10:00

Mở cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp từ những đổi mới của Luật Ðất đai 2024 

Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới, mang tính đột phá và rất nhiều vấn đề liên quan đến cộng đồng DN cả nước trong đó có các DN ở ĐBSCL. Luật Đất đai có tác động đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Tại ĐBSCL Luật Đất đai còn quan trọng hơn bởi gắn liền với nhu cầu phát triển hạ tầng cũng như ngành

Nông nghiệp là khu vực sử dụng nhiều đất đai nhất.

Tập đoàn Lộc Trời ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trên những cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: CTV

Kỳ vọng mới

Ngày 18-1-2024 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 (Luật số 31/2024/QH15) thay thế Luật Đất đai 2013. So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới hướng tới khắc phục những vướng mắc, hạn chế phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013. Trong đó, Luật có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2023 như Quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân, bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành, quy định mới về điều kiện giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, quy định mới về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, quy định mới về hộ gia đình sử dụng đất…

Bày tỏ kỳ vọng vào Luật Đất đai năm 2024, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, chia sẻ: ĐBSCL có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn tập trung vào thủy sản, rau củ, quả, trái cây và lúa gạo. Luật Đất đai năm 2024 bao gồm nhiều vấn đề nhưng vấn đề được DN, người dân quan tâm là mong muốn mở rộng hạn điền để phát triển kinh tế hàng hóa lớn. Luật được thông qua mở cơ hội lớn cho nông nghiệp ĐBSCL. Trung An là một trong những DN có liên quan đến đất đai và các DN muốn phát triển lớn kể cả về thủy sản hay trái cây, lúa gạo thì vấn đề diện tích hạn điền vô cùng quan trọng. ĐBSCL xuất khẩu mỗi năm 7-8 triệu tấn gạo, canh tác sản xuất lúa ở ĐBSCL mỗi vụ xấp xỉ gần 2 triệu héc-ta. Việc mở rộng hạn điền, khắc phục tình trạng đất đai canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho ĐBSCL mở rộng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đóng góp vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển kinh tế đất nước.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Luật Đất đai năm 2024 giúp DN tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, quy mô sử dụng đất tăng lên tạo điều kiện phát triển sản xuất quy mô lớn. Đây là xu thế tất yếu để góp phần cơ giới hóa, số hóa nền nông nghiệp, giúp giảm giá thành, kiểm soát, quản lý được hoạt động canh tác. Luật Đất đai góp phần nâng cao giá trị đất đai đồng thời giúp cho việc sử dụng, khai thác nguồn lực đất đai của quốc gia được phát huy mạnh mẽ hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Luật Đất đai với cách tiếp cận mới quy định chặt chẽ cũng góp phần ngăn ngừa tình trạng lãng phí đất đai khi thực hiện các dự án bất động sản kém hiệu quả. Cộng đồng DN cũng vui mừng vì quá trình đóng góp, sửa đổi Luật Đất đai được Quốc hội triển khai quyết liệt nghiêm túc, đề cao tính dân chủ. Qua đó tạo niềm tin lớn cho DN về việc Chính phủ và Quốc hội đã có thay đổi rất lớn để nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực của quốc gia sao cho DN có khả năng tiếp cận, đầu tư tốt hơn cho đất đai.

Nâng cao khả năng tiếp cận đất đai

Về nâng cao khả năng tiếp cận đất đai đầu tư cho nông nghiệp, theo ông Đậu Anh Tuấn Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đối với lĩnh vực nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 cho phép tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện chấp thuận; cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế. Bên cạnh đó, ở Điều 177 tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần (luật cũ là 10 lần) hạn mức giao đất nông nghiệp. Quy định mới nhằm tăng cơ hội tích tụ ruộng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa được UBND huyện phê duyệt theo Điều 45 khoản 7.

Đối với DN, ở điều 120 quy định các trường hợp cho thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê đối với đất dự án sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà lưu trú công nhân trong KCN; công trình công cộng có mục đích kinh doanh; đất thương mại dịch vụ để kinh doanh du lịch, văn phòng; đất xây nhà ở xã hội để cho thuê. Các trường hợp còn lại sẽ áp dụng thuê đất trả tiền hàng năm.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Võ, Phó trưởng khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, về cơ bản Luật Đất đai năm 2024 giải quyết các mong mỏi của DN về tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời mở rộng hạn mức sử dụng đất đai, tạo thuận lợi hơn trong việc công nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tổ chức kinh tế. Việc tăng hạn mức sử dụng đất giúp các cá nhân, tổ chức kinh tế có được diện tích đất cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên đối với quy định về các trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm nhưng dự án kéo dài hằng chục năm, DN cần tính toán được phương án tài chính để hạn chế ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Nếu chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm, có khả năng doanh nghiệp gặp khó khi dùng tài sản trên đất thế chấp vay vốn ngân hàng do ngân hàng sẽ khó chấp nhận hoặc giá trị tài sản thể chấp bị giảm nhiều.

Theo ông Phạm Thái Bình, Nhà nước tạo điều kiện tích tụ ruộng đất góp phần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và cùng với đó là cần có những giải pháp để có sự đồng hành giữa các địa phương với doanh nghiệp và nông dân trong phát triển sản xuất quy mô lớn, xuất khẩu ra thị trường thế giới và có những cơ chế chính sách đồng bộ để hỗ trợ thực hiện hiệu quả Luật Đất đai. Về phía DN khi triển khai các dự án đầu tư vào nông nghiệp sẽ chủ động thực hiện các thủ tục về đầu tư, phương án kinh doanh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tuân thủ các hướng dẫn đối với mục đích sử dụng đất nào là dành cho sản xuất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để đầu tư nhà xưởng, kho chứa… Do đó, việc tiếp cận đất đai và dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cần có sự chủ động của DN cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương.

MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết