24/03/2013 - 08:43

Một lời xin lỗi, cả hội được nhờ

 Tổng thống Obama (trái) và Thủ tướng Netanyahu trong cuộc gặp ngày 22-3, khẳng định mối quan hệ đồng minh gắn bó giữa Mỹ và Israel. Ảnh: AP

Báo Anh Guardian hôm qua cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thuyết phục Israel xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ về vụ biệt kích Israel tấn công một đội tàu chở hàng cứu trợ nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải đang trên đường tới Dải Gaza khiến 9 người Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu thiệt mạng hồi tháng 5-2010. Theo Guardian, động thái này của ông Obama "nằm trong một thỏa thuận" nhằm mở đường cho việc khôi phục mối quan hệ ngoại giao giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh gần gũi với Mỹ nhưng gần 3 năm qua vẫn "làm mặt lạnh" và không ít lần khiến Washington lâm vào thế khó xử.

Tin tức về chuyện Mỹ dàn xếp để Israel và Thổ Nhĩ Kỳ "làm lành" với nhau rộ lên từ hôm 22-3 khi ông Obama chuẩn bị rời Israel kết thúc chuyến thăm chính thức đầu tiên đến quốc gia mà ông khẳng định có mối quan hệ khắng khít với Mỹ như "chất keo không thể tách rời". Guardian viết: "Ông nhận được nhiều lời ca tụng cho bài phát biểu hết sức tình cảm đối với những người Do Thái chính thống, nhưng cũng vấp phải những chỉ trích nặng nề vì chẳng làm gì thực tế để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và xoa dịu nỗi đau của người Palestine".

Theo các quan chức Nhà Trắng trên chuyên cơ Air Force One, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã gọi cho Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước sự chứng kiến của ông Obama trong một phòng họp kín ở sân bay Ben Gurion những phút cuối trước khi ông Obama lên đường đến Jordanie tiếp tục chuyến công du Trung Đông và đôi lần ông Obama "tiếp lời" ông Netanyahu trong cuộc điện đàm. Văn phòng Thủ tướng Israel cũng xác nhận: "Netanyahu đã xin lỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ về những sai lầm dẫn đến chết người". Các quan chức Nhà Trắng cho biết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chấp nhận lời xin lỗi.

Tất nhiên, như các quan chức Mỹ thừa nhận, đây chỉ là "bước đầu tiên" hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã được xác định là ưu tiên hàng đầu trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Obama và chiếm gần trọn thời gian tọa đàm giữa ông với Thủ tướng Israel Netanyahu tuần qua. Sau sự việc diễn ra hồi tháng 5-2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, đòi dỡ bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza trước khi nói đến chuyện bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Hơn 2 năm qua, Israel cũng làm căng khi viện lý do "tự vệ" để nhất quyết không xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ dù không ít lần Washington kêu gọi "nhượng bộ". Quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hục hặc đã gây khó xử cho Mỹ đến độ Thủ tướng Erdogan từng công khai đòi Washington phải lựa chọn một trong hai, Ankara hay là Tel Aviv.

Ai cũng biết cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Israel đều là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ đặt hệ thống radar tối tân ở nước này nhằm đối phó các mối đe dọa từ Iran và gần đây đồng ý để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khối quân sự mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, đặt hệ thống tên lửa Patriot ở khu vực biên giới giáp với Syrie. Trong khi đó, việc quay lưng lại với Israel đối với chính quyền Mỹ bao đời nay là điều không thể và thực tế đã chứng minh chuyện ấy. Israel càng làm găng với Thổ Nhĩ Kỳ thì càng bị cô lập, càng đẩy Ankara về phía Palestine và xa hơn là về phía Iran – kẻ thù không đội trời chung của Israel, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi toan tính của Mỹ trong chiêu bài "thúc đẩy dân chủ ở Trung Đông" mà mục tiêu kế tiếp nhưng đang bế tắc của Washington là lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syrie - đồng minh chiến lược của Iran. Ngược lại, càng lạnh nhạt với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ càng gặp khó trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt là kế hoạch hạ bệ al-Assad – mục tiêu mà từ lâu Ankara cũng tính tới trong "phương án B" nhằm thu hẹp ảnh hưởng của Iran trên con đường vươn lên trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo.

Vì thế, lời xin lỗi của Thủ tướng Israel Netanyahu dù có chậm đến gần 3 năm, nhưng xem ra có lợi cho toan tính của Mỹ, Israel và cả Thổ Nhĩ Kỳ.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết