12/09/2016 - 20:54

"Mekong Startup"- Cơ hội phát triển doanh nghiệp cho vùng ĐBSCL

 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), ĐBSCL có khoảng 61.500 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, chiếm 7,7% tổng số DN cả nước, tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 10% và chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trung bình của cả nước. Với tiềm năng và lợi thế là khu vực kinh tế năng động, thúc đẩy khởi nghiệp tại ĐBSCL là vấn đề cấp thiết, có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế lâu dài của cả vùng. Vì vậy, VCCI Cần Thơ xây dựng Chương trình Khởi nghiệp khu vực ĐBSCL với tên gọi "Mekong Startup" giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng 2030.
Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến của ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ xoay quanh Chương trình trên.

*Tạo kết nối, lấy TP Cần Thơ làm trung tâm

Là vùng kinh tế có sức đóng góp lớn, nhưng thời gian qua, ĐBSCL chủ yếu dựa trên nguồn lực tự nhiên và các ngành chủ yếu dựa vào lợi thế, ít có những ngành mới thay đổi đột phá, sáng tạo. Số lượng DN thành lập mới của vùng có tỷ trọng giảm so với bình quân cả nước và không có nhiều DN dẫn dắt về khoa học, công nghệ. Nhưng, một quốc gia hay một địa phương thịnh vượng cần có đội ngũ doanh nhân, DN hùng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Với những gì hiện có là bài toàn khó cho ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng khi hội nhập quốc tế.

Giai đoạn phát triển mới, Việt Nam hội nhập rất sâu với các nền kinh tế thế giới, những cơ hội mới mở ra cho phát triển thương mại đầu tư và cũng không ít áp lực đòi hỏi DN cần có năng lực cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực. Với lực lượng DN đang hoạt động, ĐBSCL cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao khả năng kinh doanh, hội nhập quốc tế. Để có số DN mới tham gia vào thị trường, cần có môi trường tốt, đủ sức hấp dẫn và quan trọng nhất là thúc đẩy và khơi dậy tinh thần tự kinh doanh trong mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ, những người đang làm việc… có sự sáng tạo muốn lập nghiệp thông qua hoạt động tự làm chủ.

Chính phủ chọn năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp. Thực hiện chủ trương này, các địa phương đều quan tâm và tổ chức xây dựng chương trình khởi nghiệp tại địa phương. Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, có được hạ tầng tốt cho khởi nghiệp, như: hệ thống vườn ươm DN, các trung tâm giáo dục, đào tạo nghề, nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, hệ thống thông tin kết nối và đô thị dịch vụ phát triển… thuận lợi cho phát triển DN, thu hút nguồn nhân lực từ các nơi đến làm việc và phát triển kinh doanh. Tuy vậy, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thiếu một hệ thống nối kết. Thời gian qua, TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác của vùng ĐBSCL chưa thực sự có một chương trình khởi nghiệp đúng nghĩa với kế hoạch dài hạn. Xuất phát từ thực tiễn này, VCCI xây dựng Chương trình "Mekong Startup" giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng 2030 nhằm đạt mục tiêu phát triển DN mới và nâng cao sức sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh của DN.

Mekong Startup nhằm khơi dậy tinh thần kinh doanh, làm chủ của các cá nhân, bạn trẻ, học sinh, sinh viên biết sáng tạo, vận dụng sự sáng tạo, ý tưởng mới để phát huy tinh thần khởi nghiệp. Bên cạnh đó, những chuyên viên, kỹ sư đang làm việc luôn có những sáng kiến mới có thể vận dụng và phát triển ý tưởng thành những sản phẩm, dịch vụ ứng dụng cụ thể góp phần đổi mới kỹ thuật, công nghệ, phục vụ cho xã hội và phát triển kinh tế. Mekong Startup sẽ giúp xây dựng một lực lượng DN mới về số lượng, năng động và có khả năng cạnh tranh và hội nhập tốt để tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, vùng và quốc gia, từ đó giải quyết việc làm và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm của Mekong Startup là xây dựng một tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ biết khao khát lập nghiệp và tinh thần làm chủ; phát huy ý tưởng sáng tạo và kinh doanh. Đồng thời, định hướng đổi mới tư duy kinh tế, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ làm nền tảng cho hoạt động sản xuất kinh doanh ở ĐBSCL và cả nước. Mekong Startup sẽ tạo sự kết nối giữa các địa phương, trong đó lấy TP Cần Thơ là trung tâm, xây dựng mô hình liên kết có hệ thống, VCCI đóng vai trò dẫn dắt và cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan.

*Nhiều hoạt động hỗ trợ

Mekong Startup được xây dựng theo một tổng thể các hoạt động gắn kết từ cách tiếp cận tổ chức định hướng khởi nghiệp cho đến các hoạt động hỗ trợ, ươm tạo, đào tạo và hiện thực hóa các sản phẩm, dịch vụ ươm tạo để ứng dụng vào thực tiễn cho toàn vùng. Bao gồm: hội thảo khởi nghiệp; cuộc thi khởi nghiệp; xúc tiến thành lập Quỹ tín thác hỗ trợ ý tưởng sáng tạo; tuyển chọn, đưa vào ươm tạo và hỗ trợ ý tưởng; xây dựng trung tâm ươm tạo VCCI và khai thác phát triển dự án từ ươm tạo.

Theo đó, hội thảo khởi nghiệp là hoạt động định hướng cho quá trình ươm tạo và khởi sự kinh doanh. Hoạt động này đang được tổ chức nhiều nơi với tên gọi, cách thức tổ chức và ươm tạo khác nhau... Với mục đích cụ thể, hội thảo khởi nghiệp như là một sự khởi đầu của loạt hoạt động về khởi nghiệp. Các chuyên gia sẽ phân tích và đưa ra khuyến nghị về lĩnh vực ưu tiên và cùng xây dựng quá trình ươm tạo phù hợp nhất… Cuộc thi Khởi nghiệp với tên gọi Cơ hội khởi nghiệp (Starup Opportunities). Đây là một trong những hoạt động thu hút ý tưởng, làm đầu vào (input) cho quá trình ươm tạo. Các ý tưởng đoạt giải sẽ được ưu tiên đưa vào các khu ươm tạo như vườn ươm (incubator), nôi ươm tạo (cradle) tùy theo lĩnh vực chuyên ngành… VCCI Cần Thơ vừa khởi động cuộc thi Cơ hội Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2016. Cuộc thi dự kiến diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12-2016… Tuyển chọn, đưa vào ươm tạo và hỗ trợ ý tưởng là hoạt động sau cuộc thi khởi nghiệp thường niên, được phân loại và giới thiệu đến các cơ sở ươm tạo để hiện thực hóa các nhà khởi nghiệp (Startup-er) đoạt giải… Các Starup-er được tuyển chọn sẽ được tham gia các khóa huấn luyện về kỹ năng và kỹ thuật hình thành, triển khai một dự án dựa trên ý tưởng đoạt giải; được tư vấn từ các chuyên gia kinh nghiệm, được sử dụng hạ tầng sẵn có, được tham khảo thông tin từ thư viện trực tuyến và hệ thống sách thư viện… Thời gian ươm tạo tùy vào lĩnh vực được chọn, thông thường là từ 2-3 năm... Sau khi được đánh giá là thành công, các dự án sẽ được hưởng ưu đãi khi đầu tư giai đoạn 2 của vườn ươm theo quy chế ưu đãi của Chính phủ… Trung tâm ươm tạo (nôi ươm tạo – cradle) là mô hình văn phòng làm việc cho các cá nhân khởi nghiệp được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tiện dụng do VCCI xây dựng và điều hành. Tại đây, mỗi Startup-er được dành riêng không gian làm việc với thiết bị máy tính kết nối internet, nối kết với các chuyên gia đầu ngành, DN có kinh nghiệm... Ngoài ta, Trung tâm ươm tạo còn bao gồm các dịch vụ trợ giúp khác như đào tạo, thông tin, hội thảo… và các dịch vụ đi kèm phục vụ cho làm việc và sinh hoạt của cộng đồng startup.

Khởi nghiệp là nội dung được Đảng, Chính phủ quan tâm hàng đầu, là nhiệm vụ đang đặt ra cho các địa phương thực hiện phát triển nguồn lực kinh tế. Mekong Startup là một chương trình tổng thể được xây dựng và thực hiện dài hạn, là cơ hội phát triển DN phục vụ cho phát triển kinh tế vùng trong quá trình hội nhập. Chương trình được VCCI tham khảo và nghiên cứu từ năm 2005 nên được thiết kế một cách có hệ thống dựa trên nền tảng các quốc gia khởi nghiệp và kinh nghiệm ươm tạo từ Israel, Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan và các vườn ươm tại Việt Nam… Vì vậy, Mekong Starup sẽ nhận được sự quan tâm chỉ đạo từ trung ương đến địa phương và sự quan tâm của cộng đồng DN. Đặc biệt, Chương trình rất cần sự ủng hộ và phối hợp từ các tỉnh như là một nhiệm vụ chung, và các DN lớn cần có trách nhiệm tham gia để phát triển cộng đồng.

Thanh Long (Lược ghi)

Các thiết bị máy móc được trang bị tại Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Mục tiêu cụ thể của Mekong Startup là hình thành trung tâm khởi nghiệp với 100 chỗ làm việc mỗi năm giai đoạn 2016-2017, kết nối các vườn ươm hiện hữu tạo thành mô hình "đô thị khởi nghiệp" tại Cần Thơ đến 2020. Tạo dựng một lực lượng 1.000 DN mới trong các lĩnh vực về công nghệ, quản trị từ nay đến 2020. Giải quyết trên 5.000 lao động có chuyên môn trực tiếp tham gia cho các DN khởi nghiệp và 20.000 lao động kỹ năng làm việc gián tiếp. Hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra cho Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP), Vườn ươm Đại học Cần Thơ và các khu ươm tạo khác. Hỗ trợ đăng ký 50 bằng sáng chế (sở hữu trí tuệ) giai đoạn 2016-2020, 500 bằng giai đoạn 2020 – 2030.

Chia sẻ bài viết