Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Chúng tôi lấy nhau vào một ngày đầu xuân. Nhà Tường ở Buôn Mê Thuột, nhà tôi ở Nha Trang. Nhưng nhân duyên cuộc sống đã tạo cơ hội cho hai đứa quen biết nhau ở Sài Gòn trong những ngày đầu thành sinh viên, ngơ ngác giữa thành phố luôn náo nhiệt, lạc lõng giữa những người xa lạ. Tường bảo bởi tôi sinh ra để gặp anh, cho nên dẫu như thế nào thì tôi cũng cùng anh về Buôn Mê Thuột. Yêu nhau trọn cả bốn năm đại học, bao lần giận dỗi, bao lần đòi chia tay rồi chẳng thể bứt lìa. Sau khi ra trường, hai đứa có công ăn việc làm, là tính chuyện cưới xin.
Mẹ luôn mơ có một chàng rể ở ngay trong lòng phố, cách nhau chỉ vài căn nhà càng vui. Ðể chi? Mẹ bảo để khi mẹ có món ăn ngon, đem qua tụi con cho nóng. Ðể khi tụi con có cháu, mẹ qua giữ nhà cho mấy đứa đi chơi. Rồi cũng tự mẹ an ủi: “Lấy chồng Buôn Mê Thuột cũng chỉ cách nhau một ngọn đèo Phượng Hoàng”. Mẹ vẫn luôn tự an ủi. Khi nhà Tường đem sính lễ dạm hỏi, mẹ kể cho tôi nghe chuyện bạn của mẹ có con gái đi Pháp du học, sau đó yêu một anh chàng Pháp. Cho đến bây giờ bạn của mẹ chưa qua Pháp thăm con gái được, dù rằng hai đứa đã về Việt Nam làm lễ cưới. Mẹ còn kể chuyện con cái của bạn bè lấy chồng, lấy vợ ở khắp mọi tỉnh thành trên đất nước và thế là cha mẹ cứ lên những chuyến xe rong ruổi để lo chuyện nên vợ nên chồng, giúp chăm sóc cháu nội ngoại.
Mọi sự chuẩn bị sẵn sàng cho hành trình đưa dâu. Tường vốn là một chàng trai giỏi giang, anh vừa có bằng lái trước đó vài tháng và cũng kịp dành dụm tiền mua một chiếc ô tô để đích thân chở tôi ngày đón dâu. Mẹ bảo: “Lâu rồi các dì, các cậu chưa đi chơi xa, dịp đám cưới của con, mẹ mời mấy dì cậu, bà ngoại đi luôn”. Mẹ tôi là con đầu của một gia đình có 10 người con, các dì, cậu cũng có gia đình, nên chuyến đưa dâu thành hành trình du lịch với 30 người trên 2 chiếc xe 16 chỗ.
|
Buôn Mê Thuột thì tôi quá quen, cũng như quen thuộc ngôi nhà nằm ở lưng chừng con dốc của Tường. Hồi yêu nhau anh đã năn nỉ tôi tới chơi nhà anh. Tôi nhận lời một phần vì Tường chân thành quá, và còn vì bạn bè xúi tôi nên đến để biết ba mẹ Tường có khó tính không. Ðể rồi tôi khá bất ngờ khi biết ba anh rất hiền lành. Ông hỏi chuyện như thể tôi và ông quen nhau đã lâu và dắt tôi ra thăm vườn rau ông tự trồng. Bữa cơm tôi được ăn lần đầu tiên ở nhà Tường do mẹ anh nấu. Bà gắp cho tôi như thể tôi đói lâu ngày và nói: “Bác rất thích nấu ăn. Con về nhà này không lo chuyện bếp núc nhé”. Còn ba anh tự hào vì tô canh tôm được nấu bởi các loại rau chính tay ông chăm sóc.
Cuộc sống của mỗi người như một cuốn truyện. Mỗi chương hồi diễn ra khiến người đọc khó mà đoán trước, cho đến khi đọc đến trang cuối cùng - đó là điều mẹ nói với tôi. Mẹ bảo yêu ba tôi và đau khổ vì ba, nhưng mẹ vô cùng hạnh phúc vì từng có ba bên cạnh. Mẹ cũng bảo rằng tin vào sự chọn lựa của tôi, rồi kết luận: “Ðưa dâu qua đèo Phượng Hoàng chứ con nói đưa qua đèo Hải Vân, đèo Ngang, đèo Cả, đèo Ngoạn Mục… mẹ cũng đi thôi”.
Ðã nhiều lần tôi qua đèo Phượng Hoàng, con đèo với con đường leo lên rồi chúi xuống, hai bên là núi với những vạt cỏ xanh chạy dài. Nhưng những lần đó với tôi là cảm giác của một người đi rong chơi với cảm giác long lanh của yêu và được yêu. Khi đó đất trời của tôi là Tường. Tôi không nhìn bầu trời có bao nhiêu mây đang trôi, cũng chẳng nhìn nhưng bông hoa mua nở tím trên con dốc cao. Tôi chỉ nhìn vào mắt chàng trai tôi yêu và cảm nhận tôi cần có anh để cuộc hành trình trên cuộc đời này của tôi không đơn lẻ.
Bây giờ trên xe đưa dâu qua đèo Phượng Hoàng, tôi chợt nghĩ rồi đây những sáng mùng 1 Tết sẽ thay đổi trong căn nhà tôi từng sống và lớn lên, vì lúc đó chắc tôi vẫn còn ở bên nhà Tường. Tôi chợt nhớ nhiều tối ba mươi Tết của những năm qua, mẹ và tôi cùng ra phố trước 0 giờ, đợi pháo bông bắn tung trời, rồi về cúng Giao thừa và cùng khui chai rượu mới. Những ngày đó, sáng mùng 1 cả nhà cùng dậy sớm đi thăm mộ ông bà, mẹ dặn tôi thắp nhang cho những ngôi mộ quanh đó giống như chia sẻ ấm áp đầu xuân. Những ngày đó, mẹ luôn ăn mặc đẹp ngồi ở phòng khách, đợi con gái chúc Tết và tặng phong bao đỏ lì xì lấy lộc đầu năm.
Xe dừng lại ở giữa đèo Phượng Hoàng. Ánh nắng chiếu xiên trong không gian se lạnh khiến cho tia sáng ấm áp và lộng lẫy. Mẹ lấy chiếc khăn thêu tay vẫn luôn mang theo, khẽ lau cho tôi những giọt mồ hôi. Mẹ vẫn vậy, vẫn nghĩ con gái cần phải được che chở. Ngàn lau trắng đang nở ven đường, gió làm cho ngàn lau chao động giống như một bức tranh. Bên cạnh đó, những cây hoa mua nở tím, những cây hoa chuối hững hờ rực đỏ trên vách núi. Tưởng nói: “Em và mẹ đứng đó nghe, anh chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm”. Khi Tường vừa đưa máy ảnh lên thì một cơn mưa rào thật nhanh ào tới. Trong tích tắc Tường chụp lại hình ảnh hai mẹ con trong cơn mưa mùa xuân.
Giờ đây, mỗi lần nhớ con gái, nhớ cháu, mẹ lại lên chuyến xe nào đó vượt đèo Phượng Hoàng mà đi. Cũng như tôi, ngọn đèo đó cũng trở thành quen thuộc trong mỗi lần về. Tôi thuộc lòng từng vòng cua, tôi nhớ cả đoạn này có những cây rừng đứng lẻ loi, bóng nắng đổ dài trên vạt cỏ xanh. Tôi quen mùi thơm của hoa cà phê vào tháng ba trên đường đi, và đó cũng là mùa những con bướm lãng mạn bắt đầu bay đi tứ tán, khiến cho đoạn đường tôi đi qua sống động như tranh.
Mẹ để tấm ảnh chụp tôi và mẹ ở đèo Phượng Hoàng ngày đưa dâu giữa cơn mưa xuân ngay trong phòng khách. Trong tấm ảnh, mẹ đưa tay che trên đầu tôi như ngăn cho con khỏi ướt bởi cơn mưa của thế gian. Có thể đó là một cách nhớ tôi của mẹ. Mẹ nhớ những ngày xuân con gái không về để cùng mẹ đi phố trong đêm Giao thừa.