28/03/2016 - 20:35

Máy ép nước mía dễ cuốn dập bàn tay

Nước mía là thức uống bổ dưỡng, quen thuộc với nhiều người. Trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, dễ dàng bắt gặp xe nước mía, phục vụ nhu cầu giải khát. Tuy nhiên, nhiều tai nạn lao động liên quan xe nước mía. Vì thế, người bán nước mía, ép nước mía hay khách hàng mua nước mía đều cần cẩn trọng với máy ép nước mía, bảo đảm bản thân an toàn.

Tháng 2 - 2016, Khoa cấp cứu Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị Cẩm Giang (học sinh lớp 9, Trường THCS Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh) nhập viện trong tình trạng bàn tay trái dập nát do máy ép nước mía cuốn. Bà nội Giang cho biết, cha mẹ đi làm thuê ở xa, Giang sống với bà nội để đi học. Trong lúc bật máy nước mía đang hoạt động, Giang sơ ý để bàn tay cuốn vào máy ép, dẫn đến dập nát. Các bác sĩ kịp thời phẫu thuật, giữ lại các đốt ngón tay và phần mềm bàn tay cho Giang. Theo các bác sĩ, đợi đến khi lành vết thương, Giang phải tập vật lý trị liệu để vận động các ngón tay.

Tai nạn của em Cẩm Giang nhắc nhớ sự việc đau lòng, cũng máy ép nước mía làm tróc da đầu em Huỳnh Thị Như Ý (ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), xảy ra năm 2013. Khi đó Như Ý đang học lớp 7. Như Ý trông quán nước mía giùm bà nội, nhiều khách ghé mua nước mía trong khi bà nội đi chưa về, nên Như Ý liều bật máy ép nước mía. Trong lúc loay hoay ép nước mía, mái tóc dài của Như bị cuốn vào máy ép, kéo theo toàn bộ da đầu. Nghe tiếng kêu cứu của Như Ý, hàng xóm tức tốc đưa em đi cấp cứu, cùng với phần da đầu được bảo quản đúng cách, đem vào BV để ghép lại cho em.

Liên quan tai nạn do máy ép nước mía, bác sĩ CKI Võ Văn Dành, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Đa khoa TP Cần Thơ, chia sẻ: "Hằng năm, BV tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương bàn tay do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân do máy ép nước mía, làm tổn thương bàn tay và để lại di chứng khá nặng nề. Điều trị tổn thương trường hợp máy ép nước mía cuốn bàn tay khá khó khăn. Do bàn tay có cấu trúc giải phẫu khá phức tạp; chức năng tinh vi nên một ngón tay bị mất chức năng, đôi khi ảnh hưởng chức năng các ngón còn lại, dẫn đến giảm khá nhiều chức năng cả bàn tay; các đường rạch da trên bàn tay phải theo nguyên tắc riêng mà tổn thương do tai nạn máy ép nước mía làm rách da phức tạp, dễ dẫn đến giảm chức năng bàn tay; thẩm mỹ bàn tay rất quan trọng và khó phục hồi khi bị tổn thương. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần kiên trì tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng và hạn chế tối đa các di chứng".

Bác sĩ Võ Văn Dành khuyến cáo, người dân khi tiếp xúc, sử dụng máy ép nước mía phải rất thận trọng, cần tập trung, không lơ là, chủ quan. Khi mua máy ép nước mía nên mua loại máy an toàn khi sử dụng, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Thu Sương (lược ghi)

Chia sẻ bài viết