10/06/2020 - 09:57

Mất trí nhớ - hệ quả của lối suy nghĩ tiêu cực kéo dài

Liên tục chìm đắm trong lối suy nghĩ tiêu cực làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ và tích tụ 2 loại prôtêin nguy hiểm gây ra chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), các nhà khoa học Anh cho biết.

Cảnh báo trên được nhóm chuyên gia tại Đại học Luân Đôn đưa ra, sau 2 năm theo dõi hành vi suy nghĩ tiêu cực - như muộn phiền về quá khứ và lo lắng ở tương lai - đối với hơn 350 người trên 55 tuổi. 1/3 số người tham gia được tiến hành chụp ảnh não bằng máy PET để đo lượng tích tụ hai loại prôtêin liên quan đến bệnh Alzheimer là tau và beta-amyloid. Kết quả cho thấy so với nhóm không bi quan, nhóm có nhiều thời gian suy nghĩ tiêu cực tích tụ lượng prôtêin tau và beta-amyloid trong não nhiều hơn, đồng thời cũng có mức độ suy giảm trí nhớ và nhận thức nhiều hơn khoảng 4 năm.

Ngoài ra, kết quả đánh giá mức độ lo âu và buồn bã cho thấy những người trải qua 2 trạng thái tâm lý tiêu cực này có mức độ suy giảm nhận thức cao hơn. Tuy việc tích tụ tau và beta-amyloid không làm tăng sự lo âu và buồn bã sẵn có ở các đối tượng, song các chuyên gia nhận định việc liên tục suy nghĩ tiêu cực có thể là nguyên nhân chính khiến 2 trạng thái tâm lý này góp phần dẫn tới Alzheimer.

Theo Tiến sĩ tâm lý học Natalie Marchant - trưởng nhóm nghiên cứu, cách nhìn cuộc sống theo một màu xám xịt cần được xem là một yếu tố nguy cơ mới cho chứng mất trí nhớ. Tiến sĩ Gael Chételat, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần rất quan trọng và nên là ưu tiên hàng đầu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bởi nó không chỉ ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn mà còn tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ về sau”.

Những cách nuôi dưỡng thái độ lạc quan

Nhiều bằng chứng khoa học đã ủng hộ ý kiến của các tác giả, rằng nuôi dưỡng thái độ lạc quan giúp cải thiện sức khỏe trí não. Và một trong  những cách hiệu quả nhất để tăng sự lạc quan là phương pháp “Best Possible Self” (tạm dịch: “Bản thân có thể làm tốt nhất”). Ở phương pháp tự động viên này, bạn tưởng tượng hoặc nghĩ về bản thân trong một tương lai mà ở đó bạn đạt được các mục tiêu cuộc sống và giải quyết được tất cả vấn đề cá nhân.

Một kỹ thuật hiệu quả khác để giữ sự lạc quan là bày tỏ lòng biết ơn. Theo đó, bạn có thể nâng cao tinh thần bằng cách dành ra ít phút mỗi ngày để viết ra những điều mà bạn cảm kích, cũng như liệt kê các trải nghiệm tích cực (ít nhất 3 việc) đã trải qua trong ngày.

Việc duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe - như thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc - cũng giúp mang lại tinh thần lạc quan. Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Erin Olivo lý giải, một khi các nhu cầu cơ bản được đảm bảo, bạn ít rơi vào cảm xúc tiêu cực.

Thực hành kỹ thuật thiền có thể giúp phân tán sự tập trung của bạn sang một trải nghiệm khác, thay vì chỉ tập trung vào suy nghĩ tiêu cực. Tương tự, việc bỏ qua những mối bận tâm và hòa mình vào các khoảng không gian xanh, nhiều cây cối cũng mang lại lợi ích cải thiện tâm trạng hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhớ thường xuyên mỉm cười vì hành động nhỏ này được chứng minh là giúp cải thiện tâm trạng. Nó truyền đến não một tín hiệu có công dụng triệt tiêu suy nghĩ bi quan, đồng thời giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh giúp mang lại cảm giác vui vẻ - như dopamine chẳng hạn.

Điều quan trọng là hãy nhớ rằng học để lạc quan là một hành trình dài hơi, bởi bạn đang cố gắng điều chỉnh lại bản năng (cảm xúc) tự nhiên của mình. Nhưng miễn là luôn cố gắng nhìn về hướng tích cực, tâm trí bạn cuối cùng cũng sẽ lạc quan theo.

AN NHIÊN (Theo CNN, Women’sHealth)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mất trí nhớ