16/04/2015 - 20:59

Mạnh dạn tiếp cận tri thức mới để hội nhập

Những năm qua, qua mối quan hệ hợp tác giữa các sở, ngành với các Tổ chức phi Chính phủ trên lĩnh vực phát triển cộng đồng, đội ngũ cán bộ các cấp các ngành của thành phố Cần Thơ với nhiệm vụ, chức năng đã chăm lo ngày càng tốt hơn cho nhóm người yếu thế. Các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển chính thức song phương và đa phương còn giúp đội ngũ cán bộ địa phương nâng cao kỹ năng chuyên môn, đáp ứng với nhu cầu hội nhập và phát triển của thành phố.  

* Tiếp cận cái mới

Tháng 10-2010, Tổ chức Save the Children phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực làm kinh tế cho phụ nữ” tại huyện Thới Lai. Hoạt động của dự án là hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt vay vốn để cải thiện kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn, chị em tham gia dự án được cung cấp những kỹ năng về quản lý tài chính, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, đặc biệt là cách nghĩ, cách làm để phát huy hiệu quả nguồn vốn được vay đối với việc chọn lựa mô hình cải thiện kinh tế gia đình phù hợp, hiệu quả. Nhờ vậy, dự án không chỉ giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững, mà còn giúp chị em vùng ven thành phố nâng cao nhận thức về cách nghĩ, cách làm kinh tế. Tham gia những buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm của dự án, cán bộ làm công tác quản lý của địa phương cũng đã học tập được những kinh nghiệm, cách làm của họ trong việc hỗ trợ người dân cải thiện đời sống”.

 Các thành viên của Nhóm Tiếp cận cộng đồng tham gia Chương trình “Xuân Đoàn viên” tại Câu lạc bộ Hồi Gia, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ phối hợp với Tổ chức Care Quốc tế tổ chức.

Sau 5 năm thực hiện tại huyện Thới Lai, dự án đã giúp gần 2.400 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt thoát nghèo và ổn định kinh tế gia đình. Chị Dương Thị Liễu, ở ấp Thanh Nhung, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, nhờ tham gia dự án đã thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định với mô hình bỏ mối kem Tô Châu cho người bán lẻ và một số quán nước ở Thới Lai. Chị Liễu bộc bạch: “Những kiến thức về kỹ năng khi tham gia các hoạt động của dự án đã giúp bản thân tôi và nhiều chị em khác tự tin hơn cũng tin vào bản thân mình”.

Gia đình là tế bào xã hội. Gia đình ấm no, con em có điều kiện được giáo dục sẽ góp phần phát triển kinh tế, xây dựng xã hội văn minh. Bà Võ Kim Thoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ, Trưởng Ban Quản lý dự án, cho biết: “Quá trình thực hiện dự án đã giúp cán bộ phụ nữ thành phố, chị em làm công tác quản lý ở cơ sở được tiếp cận cách nghĩ mới, cách làm mới trong việc thực hiện những phương pháp giúp phụ nữ nghèo tự tin vào bản thân để làm kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Cán bộ phụ nữ các cấp còn được học hỏi những kiến thức xây dựng và phát triển cộng đồng. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ phụ nữ nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng trong thời kỳ mới xây dựng đất nước”.

Từ năm 2010 đến nay, trong mối quan hệ đối ngoại, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố các cấp đã phối hợp thực hiện các dự án hỗ trợ tín dụng của các tổ chức quốc tế, phần lớn là các tổ chức phi Chính phủ. Hiện nay, Hội đang quản lý 6 dự án Tín dụng-Tiết kiệm quy mô nhỏ với nguồn vốn gần 9 tỉ đồng của các tổ chức, cá nhân như: Tổ chức Save the children (hơn 7 tỉ đồng), Tổ chức của Mỹ (Chương trình Consortium với hơn 1 tỉ đồng) và một số tổ chức, cá nhân khác: Canada, Pháp, Ngân hàng thế giới... Các dự án này được thực hiện hầu hết các quận, huyện trong thành phố; đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

* Thay đổi tư duy để phát triển

Chị Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hồi Gia (một trong những Hợp phần của Dự án Step) chia sẻ, các thành viên của Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ được tập huấn kiến thức cũng như những kỹ năng là cán bộ tuyên truyền, hỗ trợ người hoàn lương, đặc biệt là những tâm tư, tình cảm của các anh, chị thuộc diện này để cán bộ tuyên truyền tiếp cận họ thành công.

Năm 2008, Dự án Step được triển khai thực hiện tại TP Cần Thơ với mục tiêu cải thiện quá trình tái hòa nhập cộng đồng cho những người nghiện ma túy, mại dâm. Hoạt động của dự án được thực hiện bước 1 tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội và quản lý sau cai TP Cần Thơ. Tại đây, học viên được tư vấn về sức khỏe và tham gia các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi trong quá trình cai nghiện, phục hồi nhân phẩm. Bên cạnh đó, các hoạt động gắn kết giữa trung tâm với gia đình học viên, trung tâm với chính quyền địa phương - nơi ở của học viên - được thực hiện song song. Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Trong những buổi gặp gỡ với gia đình, cán bộ địa phương, chúng tôi thông tin trao đổi hai chiều để có biện pháp quản lý, hỗ trợ học viên trước và sau khi trở về gia đình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp học viên không tái nghiện, tái phạm khi hoàn lương”.

Trước đây, không ít cán bộ địa phương e ngại trong công tác tiếp cận, quản lý người hoàn lương. Để khắc phục điều này, Dự án Step đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ năng cho người làm công tác xã hội của địa phương. Khi có kỹ năng, phương pháp tiếp cận người hoàn lương thành công, nhiều cán bộ làm công tác xã hội của địa phương nhận thấy việc làm của bản thân đã thật sự mang lại sự tin tưởng, quyết tâm làm lại cuộc đời của người hoàn lương. Đây là động lực giúp đội ngũ làm công tác xã hội của địa phương ngày càng nhiệt tâm và gắn bó với nhiệm vụ chuyên môn hơn. Chị Nguyễn Ngọc Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hồi Gia, cho biết: “Các anh, chị em làm công tác xã hội của địa phương chưa được qua trường đào tạo chính quy về kỹ năng. Nhưng khi tham gia hoạt động của dự án, anh, chị được nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng tiếp cận. Từ đó, họ đã trưởng thành hơn trong công tác, nhiệm vụ được giao”.

Chương trình hỗ trợ người hoàn lương tại cộng đồng của dự án cũng được thực hiện với nhiều hoạt động trên địa bàn quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Cụ thể, các đội hoạt động xã hội tình nguyện được thành lập ở các phường. Cùng với cán bộ địa phương, mạng lưới hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng của đội hoạt động xã hội tình nguyện sẽ tiếp nhận, quản lý người hoàn lương. Bên cạnh đó, dự án Step còn phối hợp với ngành Lao động-Thương binh & Xã hội TP Cần Thơ và UBND quận Bình Thủy thành lập Câu lạc bộ Hồi Gia. Tại đây, người hoàn lương có thể đến sinh hoạt, gặp gỡ người cùng hoàn cảnh; đồng thời, nói lên những nguyện vọng, những khó khăn trong quá trình trở về sống ở địa phương. Từ đó, các ban ngành, đoàn thể địa phương có biện pháp phù hợp kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ người hoàn lương. Chương trình hoạt động tín dụng nhỏ cũng được triển khai thực hiện. Với chương trình này, người hoàn lương được giới thiệu học nghề, việc làm, buôn bán nhỏ để dần ổn định cuộc sống.

Không ít những người được thụ hưởng từ các chương trình, hoạt động của các dự án phát triển cộng đồng đã trở thành những cán bộ, nhân viên đắc lực cho địa phương trong công tác hỗ trợ nhóm người yếu thế. Chị Huỳnh Thị Thơm, là thành viên của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chúng tôi là phụ nữ của Dự án Care Quốc tế, cho biết: “Sau khi cai nghiện ma túy thành công, tôi được tham gia các hoạt động của Dự án Step. Tôi và nhiều anh, chị em khác được cán bộ dự án đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ người hoàn lương. Qua đó, giúp tôi trưởng thành hơn trong nhận thức cũng như hành động”.

Ông Nguyễn Thanh Vững, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Thông qua mối quan hệ hợp tác thực hiện các chương trình, dự án phát triển đời sống cộng đồng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành ngày càng được nâng cao chuyên môn, kỹ năng làm nhiệm vụ. Hiện nay, cùng với các quy định, chính sách của thành phố, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục mở rộng các chương trình, hoạt động với các tổ chức nước ngoài theo quy định của pháp luật và nhu cầu phát triển của thành phố. Từ đó, giúp đội ngũ cán bộ của ngành tiếp cận nguồn tri thức mới, đủ trình độ, năng lực phục vụ quá trình hội nhập và phát triển thành phố bền vững”.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết