21/03/2020 - 11:16

Mạnh dạn buông tay... 

Hôn nhân và tình yêu luôn cần sự vun đắp từ hai phía. Khi một trong hai người buông tay, không còn trân trọng tình cảm và mối quan hệ của mình, người còn lại dù cố gắng níu kéo thì liệu có giữ được?

Khi một nửa không còn xứng đáng, phụ nữ đừng cố níu kéo. Ảnh: minh họa trên internet.

Cạn tình

Hôn nhân đến từ tình yêu nhưng chỉ kéo dài 3 năm thì chị Nguyễn Ngọc A., ở quận Cái Răng, đã đuối sức. Chị bộc bạch: “Về chung sống tôi mới nhận ra những khuyết điểm của chồng. Anh ấy tính toán chi li một cách quá đáng. Thêm nữa, anh ấy không thể bảo vệ vợ, mà chỉ nghe lời mẹ. Ban đầu tôi cố nhẫn nhịn, đem yêu thương vun đắp, cố gắng mong anh thay đổi nhưng sự tình không chuyển biến. Mọi chi tiêu trong nhà anh giao hết cho tôi lo liệu. Bản thân anh thì bay bướm, trăng hoa...”. Giữa năm 2019, chị A. quyết ly hôn. Chồng chị đọc lá đơn ly hôn do chị soạn sẵn rồi lạnh lùng nói: “Ly hôn thì tự nuôi con chứ tôi không đồng ý cấp dưỡng”. Quá mệt mỏi với cuộc hôn nhân đầy nước mắt, chị A. chấp nhận. Chưa dừng lại ở đó, ngày tòa án mời đến, chồng chị lại trở mặt, trình bày là chưa từng ký vào đơn ly hôn và chữ ký của anh trên đơn là do chị giả mạo. Sau đó, chồng chị còn tố trước nhiều người rằng chị không đủ tư cách và đạo đức để nuôi dạy con, vì vậy anh ta yêu cầu được toàn quyền nuôi con. Chị A. chia sẻ trong nước mắt: “Tôi không nghĩ rằng anh ta cạn tình, cạn nghĩa mà vẫn còn dày vò tôi nhiều đến vậy”.

 Còn chị Huyền M., ở Hậu Giang, mới 25 tuổi nhưng đã có 5 năm chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Chị M. vốn xuất thân từ gia đình có của ăn của để, được cha mẹ cưng chiều. Chị lại học rất giỏi nhưng duyên nợ đưa đẩy, chị lấy chồng khi vừa tròn 20 tuổi. Trước cưới, cha mẹ chồng chị thường xuyên gọi điện hỏi thăm, thúc giục ba mẹ chị cho cưới và hứa sẽ chăm sóc chị như con ruột, cất nhà cho chị ở thành phố. Thế nhưng sau khi cưới về thì mọi chuyện “không như là mơ”. Không những bắt chị sống ở quê, làm hết việc nhà, cha mẹ chồng còn tịch thu hết tiền, vàng cưới. Còn chồng chị bộc lộ tính ham chơi lêu lổng, chỉ thích tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt bí tỉ ngày này qua ngày khác và không bao giờ phụ giúp chị bất cứ việc gì vì cha mẹ và bà nội chồng không cho phép. Chị ngán ngẩm chia sẻ: “Mẹ chồng tôi bắt tôi giặt quần áo của cả nhà nhưng không được dùng máy giặt, nấu cơm bằng bếp gas hoặc bếp củi, không dùng nồi cơm điện, lau nhà bằng tay chứ không cho lau bằng cây lau nhà, phải ngủ bằng chiếu, không cho ngủ nệm. Vậy nhưng chồng không hề nói giúp một lời, để tôi một mình chịu đựng. Đến khi tôi sắp sinh thì bà bắt tôi sinh ở trạm xá, không được đến bệnh viện. Nhờ ba mẹ tôi can thiệp, tôi được đưa đến bệnh viện sinh con và may mắn, tôi vẫn giữ được mạng sống sau biến chứng băng huyết”.

Đừng níu kéo

Thời gian đầu trước khi quyết định ly hôn, cả chị Huyền M. và Ngọc A. đều từng đắn đo, dằn vặt. Chị Ngọc A. chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ, liệu rằng ly hôn, khi con gái lớn lên, con có buồn, có thiệt thòi vì thiếu cha không. Nhưng khi nghe người thân góp ý, đặc biệt là ba mẹ, tôi ngộ ra rằng, nếu tôi duy trì cuộc sống không hạnh phúc đó, con tôi sẽ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn so với việc vắng đi người cha vô trách nhiệm”. Còn chị Huyền M. cũng vì cố gắng níu kéo hôn nhân trong thời gian dài mà có lúc chị bị trầm cảm bởi áp lực từ nhà chồng, khiến chị từng nghĩ đến chuyện dại dột, bồng con quyên sinh hoặc bỏ trốn thật xa.

Tháng 2-2020, Tòa án Nhân dân quận Cái Răng có xét xử vụ án ly hôn mà nguyên đơn là người chồng và lá đơn ly hôn được viết khi cuộc hôn nhân của họ chưa tròn nửa năm. Trước tòa, người chồng dõng dạc cho biết cả 2 không còn tình yêu, không có tài sản chung, nợ chung và cũng không có con chung. Điều làm nhiều người xót xa hơn nữa là, quá trình quen biết, yêu nhau 9 năm trước khi cưới, cặp đôi đã từng có con nhưng người chồng này ép vợ sắp cưới của mình bỏ thai rồi mới cưới. Nhưng trước tòa, người vợ vẫn mong được đoàn tụ, giữ gìn cuộc hôn nhân đầy thiệt thòi đối với mình. Người vợ cho rằng ly hôn chỉ là ý muốn của chồng, còn cô không muốn. Có lẽ vì tình yêu quá sâu đậm dành cho một nửa của mình, đã khiến người vợ không kịp nhận ra rằng, tương lai của chị còn rất nhiều cơ hội hạnh phúc phía trước. Chị không cần phải hao phí tâm sức cho người đàn ông đã cạn tình, cạn nghĩa.

   Dứt khoát quên đi người đàn ông không xứng đáng, chị Ngọc A. và Huyền M. tìm lại được cuộc sống tự do và ý nghĩa hơn. Chị Ngọc A. được toàn quyền nuôi con nhỏ và chị gầy dựng được cửa hàng bán quần áo nho nhỏ, đủ nuôi con ăn học đàng hoàng. Còn chị Huyền M. trở về bên vòng tay yêu thương của ba mẹ. Chị tranh thủ thời gian học nghề và kinh doanh qua mạng...

Hôn nhân chỉ hạnh phúc khi cả hai cùng hết lòng xây dựng tổ ấm, vì vậy, khi người đồng hành không còn xứng đáng với tình yêu, sự cố gắng của mình, phụ nữ tốt hãy mạnh dạn quên đi vết thương lòng, không níu kéo, để cuộc sống bình yên và vui vẻ hơn.

Tâm An

Chia sẻ bài viết