23/08/2018 - 16:41

Malaysia rút khỏi các dự án lớn với Trung Quốc 

Tại tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới, một công ty điện lực Trung Quốc đang đầu tư xây dựng cảng nước sâu đủ lớn để tiếp nhận cả tàu sân bay. Trong khi đó, một công ty khác đang cải tạo bến cảng dọc theo khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Gần đó, mạng lưới đường sắt do Bắc Kinh tài trợ đang được xây dựng nhằm tăng tốc việc vận tải hàng hóa của Trung Quốc dọc theo Con đường Tơ lụa mới. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang tạo ra 4 hòn đảo nhân tạo có thể trở thành nơi sinh sống của gần 750.000 người và được quảng bá rộng rãi tới người dân nước họ.

Các dự án trên đang được triển khai ở Malaysia và được xem là “con át chủ bài” của Bắc Kinh nhằm đạt được ảnh hưởng toàn cầu. Song, những dự án này hiện đang đối mặt với thách thức do Malaysia đang dần rút khỏi chúng vì lo ngại sẽ trở thành “con nợ”.

Mô hình cảng nước sâu do Trung Quốc xây dựng tại Malaysia. Ảnh: NYT 

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày mà theo đó mục đích của ông là làm giảm bớt khối nợ công của Malaysia hiện lên đến 250 tỉ USD, một phần trong số đó là nợ các công ty Trung Quốc. “Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống mà ở đó một phiên bản chủ nghĩa thực dân mới diễn ra bởi vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu” - Thủ tướng Mahathir phát biểu với báo giới hôm 20-8 sau cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Ngày 21-8, ông Mahathir xác nhận đã hủy bỏ 3 dự án có tổng trị giá 22 tỉ USD ký kết giữa Trung Quốc và Malaysia cho tới khi Kuala Lumpur thanh toán được các khoản nợ.

Các dự án này bao gồm dự án đường xe lửa nối liền bờ biển phía Đông Malaysia tới miền Nam Thái Lan và Kuala Lumpur, cùng 2 dự án đường ống dẫn dầu.

Liên quan tới các dự án bị hủy bỏ, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng đã dẫn ra một ví dụ điển hình, đó là trường hợp của Sri Lanka, nơi một cảng nước sâu được Trung Quốc xây dựng đã không thu hút được nhiều doanh nghiệp, nên quốc đảo Nam Á sau đó buộc phải ký với Bắc Kinh hợp đồng cho thuê cảng này và nhiều vùng đất gần đó với thời hạn lên tới 99 năm. “Chúng tôi không muốn rơi vào tình huống như Sri Lanka. Họ không thể trả nợ, người Trung Quốc do đó đã nhảy vào tiếp quản dự án. Trung Quốc biết rằng khi họ cho nước nghèo vay một khoản tiền lớn thì cuối cùng họ cũng có thể tiếp quản dự án đó” - ông Lim nói với NYT.

Riêng dự án đường sắt, Bộ trưởng Lim gần đây nói với Quốc hội rằng Kuala Lumpur sẽ không thể trang trải chi phí hoạt động cho tuyến đường sắt nói trên mà ông ước tính lên tới gần 20 tỉ USD chứ không phải là 13,4 tỉ USD. “Dường như không phải toàn bộ số tiền đang được sử dụng để xây dựng tuyến đường sắt này. Khả năng là tiền đã bị đánh cắp” - ông Lim nhận định. Hiện các nhà điều tra Malaysia đang điều tra xem có phải con trai của cựu Thủ tướng Najib Razak đã “nhúng tay” vào thỏa thuận đường sắt này nhằm làm giảm bớt khoản thất thoát của Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) hay để tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Najib.

Động thái hủy bỏ 3 dự án lớn của Thủ tướng Mahathir diễn ra trong bối cảnh nhiều nước như Sri Lanka, Djibouti, Myanmar và Montenegro, những nơi nhận tiền từ chiến dịch tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc gọi là sáng kiến “Vành đai, Con đường”, phát hiện rằng các khoản đầu tư từ Trung Quốc đều mang lại nhiều hệ lụy, chẳng hạn như tạo ra các hợp đồng giả hay tạo điều kiện cho dòng chảy người lao động Trung Quốc đến làm việc tại địa phương. Nỗi lo ngại của Malaysia càng gia tăng khi mà Trung Quốc đang vung tiền ở nước ngoài để giành được chỗ đứng tại những vị trí chiến lược nhất thế giới và thậm chí có thể khiến một số quốc gia “sập” bẫy nợ để tăng cường sự thống trị của mình trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ ngày càng giảm dần.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết