21/06/2024 - 20:32

Malaysia mở cửa cho tuyến đường sắt xuyên Á của Trung Quốc 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vừa có chuyến Malaysia 3 ngày (từ 18 đến 20-6), đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (phải) và ông Lý Cường tại Putrajaya hôm 19-6. Ảnh: EPA-EFE

Malaysia là trạm dừng chân thứ ba của ông Lý Cường, sau New Zealand và Úc, trong bối cảnh Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ trong việc mở rộng ảnh hưởng và đầu tư ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sự trở lại của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng sang thăm Malaysia năm 2013, dẫn đến việc 2 nước nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Ðến năm 2015, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là ông Lý Khắc Cường đến Malaysia dự hội nghị cấp cao khu vực. Trong giai đoạn này, chính quyền Malaysia của cựu Thủ tướng Najib Razak (2009-2018) đã ký kết nhiều dự án hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiên Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi nhà lãnh đạo tiền bối Mahathir Mohamad trở lại vai trò thủ tướng từ năm 2018-2020, Malaysia đã hoãn hoặc hủy bỏ nhiều thỏa thuận trên vì cho rằng chúng tạo ra gánh nặng nợ và làm tổn hại nền kinh tế nước này. Trong số các dự án tạm dừng có Tuyến đường sắt bờ biển phía Ðông (ECRL) do Công ty xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC) thuộc quyền sở hữu nhà nước xây dựng và được một ngân hàng Trung Quốc cấp vốn. Tuy nhiên, ECRL đã được triển khai lại năm 2019 sau khi CCCC đồng ý giảm mạnh chi phí, từ mức 18,8 tỉ USD xuống còn 10 tỉ USD, đồng thời cho phép nhà thầu phụ địa phương tham gia dự án.

Sau khi lên nắm quyền từ tháng 11-2022, Thủ tướng Anwar Ibrahim xích lại gần hơn với Bắc Kinh và cam kết giữ lập trường trung lập trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông đã sang thăm Trung Quốc 2 lần hồi năm ngoái. Ông Anwar cho biết Kuala Lumpur coi Bắc Kinh là “đồng minh thương mại quan trọng” bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia từ năm 2009 với kim ngạch song phương đạt 98,9 tỉ USD năm 2023. Ông cũng cáo buộc một số cường quốc phương Tây có thành kiến với Trung Quốc vì những tranh chấp trên Biển Ðông.

Kết nối ECRL với mạng lưới xuyên Á

Trong chuyến thăm Malaysia lần này, Thủ tướng Lý Cường đến thủ đô Kuala Lumpur hôm 18-6 và hội đàm với ông Anwar hôm 19-6 tại thủ đô hành chính Putrajaya nằm cách Kuala Lumpur 30km về phía Nam.

Ðáng chú ý tại Kuala Lumpur, ông Lý Cường đã tham dự buổi lễ động thổ đoạn đường sắt cuối cùng của dự án ECRL dài 665 km. Tuyến đường sắt kết nối bờ biển phía Ðông và phía Tây của bán đảo Malaysia vào cuối năm 2026 này đến nay đã hoàn thành 2/3 chặn đường.

Hồi tháng 3-2024, Chính phủ Malaysia tuyên bố họ đang xem xét mở rộng dự án ECRL qua biên giới Thái Lan. Vì thế, phát biểu tại lễ động thổ trên, Thủ tướng Lý cho hay Bắc Kinh đang xem xét kế hoạch kết nối ECRL với mạng lưới đường sắt xuyên Á dài 3.000km, qua đó kết Trung Quốc với nhiều quốc gia Ðông Nam Á. “Ðiều này sẽ thúc đẩy hơn việc xây dựng các hành lang thương mại trên bộ và trên biển quốc tế mới, tăng cường kết nối khu vực và làm sâu sắc hơn việc xây dựng cộng đồng ASEAN”, ông Lý Cường nhấn mạnh. Theo ông, Malaysia nằm ở trung tâm Ðông Nam Á và có được lợi thế vô đối. Do đó, ông Lý tuyên bố “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Malaysia nhằm tích cực nghiên cứu ECRL, kết nối đoạn giữa của tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào và đưa tuyến đường sắt trung tâm xuyên Á từ ý tưởng thành hiện thực”.

Trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã theo đuổi kế hoạch thiết lập một mạng lưới đường sắt trực tiếp giúp kết nối thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đi qua Singapore thông qua Lào, Thái Lan, Malaysia cùng với các nhánh vào Việt Nam và Campuchia.

Hiện tại, tuyến đường sắt xuyên biên giới Lào - Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động, kết nối trung tâm thương mại của Trung Quốc là Côn Minh đến thủ đô Vientiane của Lào. Dự án thứ hai đang được tiến hành ở Thái Lan với mục tiêu kết nối toàn tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc với thủ đô Bangkok vào năm 2028.

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết