29/06/2019 - 20:32

Ma túy dậy sóng Thái Bình Dương 

Trong vòng 5 năm qua, một loạt các lô hàng cocaine và ma túy tổng hợp methamphetamine trị giá hàng tỉ USD thường xuyên được chuyển từ Mỹ và Mỹ Latinh đến Úc và New Zealand thông qua các đảo Nam Thái Bình Dương, vốn được xem là những điểm đến nghỉ dưỡng hơn là trung tâm trung chuyển ma túy.

Cảnh sát biển Fiji quan sát tàu thuyền đi qua vùng nước nước này. Ảnh: Guardian

Cảnh sát biển Fiji quan sát tàu thuyền đi qua vùng nước nước này. Ảnh: Guardian

Khu vực này gần đây chứng kiến lượng lớn tàu thuyền đôi khi chở theo hơn 1 tấn cocaine thực hiện hành trình xuyên Thái Bình Dương để vào thị trường ma túy “béo bở” tại Úc và New Zealand. Theo tờ Guardian, vùng nước và bãi biển của các nước như Fiji, Vanuatu, Papua New Guinea, Tonga và New Caledonia trở thành nơi lưu trữ các loại ma túy trị giá hàng tỉ USD. Đến nay, hàng trăm ký cocaine đã dạt vào các bãi biển Thái Bình Dương xa xôi trong khi nhiều tàu chở đầy ma túy mắc cạn trên các rạn san hô. Người dân địa phương còn phát hiện ra những kho ma túy khổng lồ được cất giấu trong những mảnh lưới dưới nước.

Thái Bình Dương là điểm trung chuyển trong các đường dây ma túy trong nhiều thập kỷ qua nhưng các nhà thực thi pháp luật cũng như giới phân tích an ninh cho rằng việc tận dụng tuyến đường này đã tăng lên đáng kể trong vòng 5 năm qua. Kể từ năm 2014, Cảnh sát liên bang Úc đã thu giữ khoảng 7,5 tấn cocaine được vận chuyển bằng các tàu nhỏ qua khu vực để vào Úc.  Kể từ năm 2016, có đến 6 vụ bắt giữ ma túy lớn ở quần đảo Polynesia thuộc Pháp. Vào năm 2017, một chiếc du thuyền đã bị chặn lại gần New Caledonia với 1,464 tấn cocaine được giấu trong thân thuyền và một chiếc thuyền khác cũng bị bắt giữ ở bờ biển phía Đông nước Úc với hơn 1,4 tấn cocaine. Được biết, mỗi lô hàng trị giá hơn 200 triệu USD.

Tình trạng trên diễn ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cocaine ở Úc và New Zealand, nơi có tỷ lệ sử dụng cocaine bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, bùng nổ. Người Úc và New Zealand cũng mua ma túy đắt giá hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Ma túy đến Úc thông qua một loạt phương tiện như tàu chở hàng, tàu du lịch và vận tải hàng không. Hồi tháng 12 năm ngoái, một tiếp viên hàng không người Fiji đã bị bắt vì cố tuồng cocaine sang Úc. Còn vào tháng 3 năm nay, Cảnh sát Liên bang Úc đã bắt giữ 2 người đàn ông, một người trong đó là nhân viên tại sân bay Sydney vì tham gia đường dây buôn lậu ma túy tổng hợp methamphetamine. 

Trước làn sóng ma túy ồ ạt xâm nhập vào nước mình, giới ngoại giao  Úc và New Zealand đều bày tỏ mong muốn các nước Thái Bình Dương hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn vòi bạch tuộc ma túy. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand nhấn mạnh tội phạm có tổ chức và ma túy, đặc biệt methamphetamine, là "nỗi lo nghiêm trọng" cho các nước Thái Bình Dương, do đó New Zealand coi sự hợp tác của các nước láng giềng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến ma túy là một ưu tiên vì sự phát triển ổn định của New Zealand và cả khu vực. 

Tuy nhiên, là nơi  trung chuyển ma túy hàng đầu thế giới, các quốc gia ở Nam Thái Bình Dương như Fiji, Samoa và Tonga đang bị ma túy tác động  sâu sắc. Tình trạng nghiện ngập, bạo lực và tham nhũng diễn ra tràn lan. Vì thế, ông John Coyne, người phụ trách mảng an ninh biên giới của Viện chính sách chiến lược Úc, cho rằng các nước Thái Bình Dương chính là "nạn nhân" đang lâm vào thế kẹt giữa thị trường tiêu thụ khổng lồ (Úc và New Zealand) và những kẻ cung cấp ma túy. Jose Sousa-Santos, nhà nghiên cứu về tội phạm xuyên quốc gia tại Thái Bình Dương thuộc Đại học Massey (New Zealand), cũng có ý kiến tương tự. "Nếu không có thị trường ma túy Úc và New Zealand thì không có dòng ma túy băng qua Thái Bình Dương" - ông Sousa-Santos nêu rõ. Ông cho rằng các nước Thái Bình Dương không đủ nguồn lực để ngăn chặn dòng chuyển ma túy từ  Mỹ Latinh và họ cảm thấy Úc và New Zealand đang cố gắng tự bảo vệ vùng lãnh hải của mình hơn là hỗ trợ các nước láng giềng đối phó với làn sóng ma túy nguy hiểm từ biển cả mênh mông ở khu vực. Theo ông Sousa-Santos, các cơ quan thực thi pháp luật Thái Bình Dương phàn nàn rằng họ không được đối xử bình đẳng với phía đối tác Úc và New Zealand.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết