19/06/2011 - 08:49

Ma-rốc chuyển sang thể chế quân chủ lập hiến

Quốc vương Mohammed VI của Ma-rốc ngày 17-6 đã thông báo một loạt cải cách nhằm chuyển nền quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến. Đây là bước đột phá của triều đại lâu năm nhất trong thế giới A-rập, nhưng chưa chắc làm hài lòng các phong trào biểu tình đòi quyền dân chủ rộng lớn hơn.

Quốc vương Mohammed VI.
 

Theo hãng tin Mỹ AP, các kiến nghị cải cách hiến pháp vừa công bố đã được một ủy ban cố vấn soạn thảo trong 3 tháng qua theo mệnh lệnh của Quốc vương Mohammed VI sau khi quốc gia Bắc Phi có 36 triệu dân này xảy ra các cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ sâu rộng từ tháng 2-2011. Cụ thể, dự luật cải cách (còn phải được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1-7 tới) cho phép tăng cường quyền hành của thủ tướng, người đại diện cho chính đảng chiếm đa số trong quốc hội. Cụ thể, người đứng đầu chính phủ sẽ có quyền giải tán nghị viện, bổ nhiệm và sa thải các thành viên nội các (trước đây thuộc quyền của quốc vương). Thủ tướng cũng được quyền thảo luận về chính sách nhà nước với hội đồng chính phủ họp hàng tuần mà không cần sự có mặt của quốc vương. Theo hiến pháp hiện hành, chỉ cuộc họp chính phủ do quốc vương chủ trì mới được phép thông qua các chính sách phát triển đất nước.

Nghị viện mới sẽ được phép tiến hành điều tra các quan chức chính phủ sai phạm nếu nhận được sự ủng hộ của 1/5 số nghị sĩ và có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm các quan chức đó với 1/3 đại biểu tán thành, thay vì phải cần sự đồng lòng của cả nghị trường như hiến pháp hiện hành. Tòa án hiến pháp cũ sẽ bị giải tán để thành lập một cơ quan mới mà trong đó nhà vua chỉ có quyền bổ nhiệm phân nửa số thành viên. Nhà vua vẫn duy trì quyền giải tán nghị viện nhưng với điều kiện phải tham vấn chánh án Tòa án hiến pháp. Ngoài ra, hệ thống tư pháp sẽ được điều hành bởi một hội đồng tối cao gồm các thẩm phán và người đứng đầu Hội đồng nhân quyền quốc gia, chứ không do bộ trưởng tư pháp, người đại diện của quốc vương, kiểm soát.

Theo dự thảo hiến pháp mới, nhà vua vẫn nắm giữ vai trò tư lệnh tối cao của quân đội, lãnh tụ tôn giáo tối cao, đứng đầu hội đồng bộ trưởng và hội đồng an ninh tối cao.

Quốc vương Mohammed VI cho rằng những thay đổi kể trên là yếu tố cốt lõi tạo sự cân bằng, độc lập và phân chia quyền lực nhằm mục đích cao nhất là tự do và phẩm giá của công dân. Jean-Noel Ferrié, chuyên gia chính trị về thế giới A-rập và là giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, nhận xét: “Hiến pháp mới như thông báo là cực kỳ tự do và dân chủ” vì nó cho phép người dân Ma-rốc được hưởng thêm nhiều quyền lợi và đấu tranh đòi bình đẳng.

Thế nhưng, theo Najib Chawki, nhà hoạt động của nhóm đòi quyền dân chủ – Phong trào 20-2, dự thảo hiến pháp mới chưa đáp ứng các yêu cầu cơ bản để thành lập chế độ quân chủ nghị viện như mong muốn của họ. Chawki cho biết tổ chức này sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình đòi quốc vương giải tán chính phủ hiện hành, trừng trị các quan chức và doanh nhân tham nhũng, mở rộng phạm vi tự do dân chủ...

Theo AP, bản thân Quốc vương Mohammed VI vẫn còn được lòng dân chúng, nhưng họ bất bình với bộ máy chính phủ và các cố vấn của quốc vương mà họ tin rằng đầy tham lam và tha hóa. Vị quốc vương 48 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ luật tại Pháp này lên ngôi năm 1999 với những đặc quyền tối thượng của một tổng thống, nhưng tình thế đang buộc ông phải thay đổi, chấp nhận giảm quyền để giữ quyền.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, Le Monde)

Chia sẻ bài viết