30/07/2010 - 09:42

KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG VŨ TRANG TP CẦN THƠ (30/7/1945 - 30/7/2010)

Lừng danh Đại đội 23 anh hùng

Được thành lập ngày 23-9-1962, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang vào giai đoạn cam go, ác liệt, Đại đội Bộ binh 23 (Đại đội 23), Tiểu đoàn Tây Đô đã anh dũng chiến đấu và lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần cùng quân dân Cần Thơ và cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Trong thời bình, Đại đội 23 lập nhiều thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tin cậy, quý mến. Đại đội 23 vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chống Mỹ cứu nước.

RA ĐI LÀ CHIẾN THẮNG...

Chiến sĩ Đại đội Bộ binh 23 giúp bà con xã Trường Long (huyện Phong Điền) nâng cấp đường giao thông. 

Đã hơn 48 năm trôi qua, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Thanh Sơn (chú Ba Ngay), nguyên là Chính trị viên của Trung đội 3, trực thuộc Đại đội 23 vẫn còn nhớ như in những ngày đầu đơn vị mới thành lập. Chú kể: “Tháng 9-1962, Đại đội 23 được thành lập, lấy phiên hiệu là C239 (thường gọi là C23), với 152 cán bộ, chiến sĩ; trong đó có 35 đảng viên, 70 đoàn viên, được thành lập 1 chi bộ và một chi đoàn. Đây là Đại đội độc lập thứ 3 của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Cần Thơ. Đến năm 1964, khi Tiểu đoàn Tây Đô được thành lập, Đại đội nằm trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn. Thời gian đầu mới thành lập, Đại đội gặp rất nhiều khó khăn. Đại đội chỉ có 2 khẩu trung liên thời chống Pháp và một số súng tự tạo; lực lượng của Đại đội mỏng, không đủ biên chế; nhiều chiến sĩ lớn tuổi, là du kích các xã đưa lên nên chưa am chiến thuật chiến đấu. Để khắc phục khó khăn này, Ban Chỉ huy Đại đội tăng cường giáo dục chính trị, tổ chức huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật phục kích cho cán bộ, chiến sĩ; đồng thời tích cực vận động thanh niên các địa phương tham gia đại đội”. Dù hoạt động trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng tinh thần quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của các cán bộ, chiến sĩ rất cao. Ngay trong trận đầu ra quân, Đại đội 23 đã tiêu diệt 1 đại đội “áo rằn” ác ôn khét tiếng ở Xuân Hòa, huyện Kế Sách, thu được 4 khẩu súng tự động, 2 trung liên, tạo được niềm tin trong nhân dân. Theo thiếu tướng Lê Thanh Sơn, điểm nổi bật của Đại đội 23 là khả năng đánh đồn, đánh phục kích và phòng ngự rất giỏi. Cách đánh thường chia ra làm nhiều mũi bên sườn, phía sau, tiến công nhanh, dũng mãnh, chẻ đội hình của địch ra để tiêu diệt hoàn toàn. Trong chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm nên càng đánh càng thắng lợi. Tiêu biểu như trận Ông Hào vào ngày 8-6-1965, với lối đánh táo bạo, dũng mãnh, Đại đội 23 đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn Cọp đen khét tiếng của địch, thu được nhiều vũ khí, được khu Tây Nam Bộ khen tặng là lá cờ đầu diệt Mỹ - ngụy của miền Tây. Trận chống càn tại Vĩnh Chùa, xã Long Bình, huyện Long Mỹ vào ngày 22-12-1965 cũng là một trong những chiến công tiêu biểu của Đại đội 23. Địch đưa một đơn vị của Sư đoàn 21 và 1 Đại đội bảo an từ chi khu Long Mỹ cùng với trực thăng chiến đấu và xe lội nước M113 yểm trợ nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Với tinh thần chiến đấu mưu trí, gan dạ, kiên cường, Đại đội 23 đã đối đầu với một lực lượng đông hơn gấp 3 lần. Suốt một ngày chống càn quyết liệt, Đại đội đã diệt 309 tên địch, thu nhiều vũ khí. Trận này, Đại đội 23 được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Nhì. Trận chiến đấu ở xã Long Tuyền vào năm 1967 của Đại đội cũng được ví là trận đánh “nở hoa trong lòng địch”. Nhằm đánh bại âm mưu tập trung bình định trọng điểm khu vực Long Tuyền, Mỹ Khánh, An Bình của địch, ta đưa bộ đội vào bám lộ Vòng Cung, làm hầm bí mật đánh địch. Trong đó, Đại đội 23 đi đầu và là mũi dao nhọn thọc sâu đánh thẳng vào “tim gan” kẻ thù. Trong trận đánh tại Long Tuyền vào 8-1967, Đại đội đã bình tĩnh tiếp cận địch, đánh bất ngờ từ trong lòng địch, tiêu diệt và làm bị thương 99 tên địch. Đại đội 23 còn rất nhiều trận đánh vang dội, khiến quân thù khiếp sợ như: trận đánh chiếm đồn Phú Xuân (Phụng Hiệp), trận đánh ở xã Trung An (huyện Thốt Nốt), đánh đồn Định Môn (Ô Môn), trận Ông Cửu (Cái Răng), trận đánh yếu khu Quang Phong (Phụng Hiệp), đánh Chi khu Một Ngàn... Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tài, là cán bộ Tiểu đoàn Tây Đô trong kháng chiến chống Mỹ, hiện là Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh quận Cái Răng, nhớ lại: “Từ tháng 6-1964, Đại đội 23 là mũi chủ công trong các trận đánh lớn của Tiểu đoàn Tây Đô. Tất cả các nhiệm vụ Tiểu đoàn giao, Đại đội đều hoàn thành xuất sắc”. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, trong giai đoạn từ năm 1962 đến 6-1964, khi còn là đơn vị độc lập, Đại đội 23 đã đánh 30 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 720 tên; diệt 15 trung đội, 2 đại đội, 12 đồn; đánh hỏng 10 xe quân sự, phá 14 ấp chiến lược, thu hồi 350 súng... Từ năm 1964, khi nằm trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn Tây Đô, Đại đội 23 đã cùng với Tiểu đoàn tham gia đánh 422 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 9.065 tên, bắn bị thương 637 tên, bắt sống 776 tên; diệt gọn 25 trung đội, 24 đại đội, 4 tiểu đoàn, 6 đoàn bình định, 5 tổng đoàn dân vệ; bắn rơi 22 máy bay, chìm 18 tàu chiến, cháy 16 xe tăng; thu 6.865 súng... Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và hơn 10 năm làm nghĩa vụ Quốc tế giúp bạn tại Campuchia, Đại đội 23 đã đánh 156 trận, diệt và làm bị thương gần 900 tên, giải phóng 11.000 dân; trong nhiều tình huống rất khó khăn, đại đội đã nhường 1.250 kg gạo khẩu phần ăn để cứu đói nhân dân ...; đồng thời tham gia sản xuất, thực hiện nhiều công trình đê bao, nhà ở giúp nhân dân dần ổn định cuộc sống, được nhân dân Campuchia hết lòng thương yêu, mến phục...

NỐI TIẾP TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG

Trong thời bình, với vai trò là lực lượng nòng cốt của Tiểu đoàn Tây Đô, Đại đội 23 luôn phát huy truyền thống anh hùng, ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại úy Nguyễn Trần Tổng, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn Tây Đô, cho biết: “Tự hào với truyền thống anh hùng của LLVT Cần Thơ nói chung, của Tiểu đoàn Tây Đô và Đại đội 23 nói riêng, chúng tôi quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, ngày càng nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Cuối tháng 7-2010, chúng tôi đến Tiểu đoàn Tây Đô đúng lúc các chiến sĩ Đại đội 23 đang thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập LLVT TP Cần Thơ. Trên thao trường huấn luyện, nắng như đổ lửa nhưng các cán bộ huấn luyện vẫn miệt mài hướng dẫn các chiến sĩ năm thứ nhất thực hành các nội dung huấn luyện. Truyền thống sáng ngời của Đại đội 23 là nguồn động lực, cổ vũ lớn lao để nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị phấn đấu và cống hiến. Binh nhì Đinh Quyết Thắng, chiến sĩ Trung đội 2, vừa nhập ngũ vào đơn vị đợt 1 năm 2010, nói: “Qua học tập, tìm hiểu về truyền thống của đơn vị, tôi rất tự hào khi mình là thế hệ tiếp nối của Đại hội 23 anh hùng. 4 tháng nay, từ ngày nhập ngũ, tuy tập luyện ở thao trường rất vất vả, nhưng so với sự hy sinh của các bậc cha chú đi trước thì chưa thấm vào đâu. Tôi quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện thật tốt để trở thành sĩ quan chuyên nghiệp, sẵn sàng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Qua đợt thi đua đột kích lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập LLVT thành phố, Binh nhì Đinh Quyết Thắng là một trong những chiến sĩ tích cực trong học tập, huấn luyện và gương mẫu trong chấp hành nội quy, quy định của đơn vị. Kết thúc đợt huấn luyện, Thắng đạt danh hiệu “chiến sĩ giỏi”. Nhiều năm qua, công tác huấn luyện của Đại đội luôn đạt chất lượng từ khá trở lên, có trên 78% chiến sĩ đạt loại khá giỏi nên bảo đảm tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Phát huy truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh 23 luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động giúp dân. Hàng năm, cán bộ, chiến sĩ Đại đội tham gia các đợt dã ngoại do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức đến các vùng ngoại thành, nông thôn, vùng căn cứ kháng chiến để lao động giúp dân. Ước tính trong hơn 20 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đã đóng góp 11.150 ngày công lao động giúp dân nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực như nâng cấp hàng chục km đường giao thông nông thôn, bắc hàng chục cây cầu, sửa chữa nhiều trường học, cất 3 nhà tình nghĩa - 43 nhà tình thương, thu hoạch hàng chục ha lúa - hoa màu... Việc làm đó đã được dân quý, dân thương, địa phương tín nhiệm. Anh Huỳnh Phước Hội, người dân ở thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ), kể: “Năm ngoái, gia đình tôi cất nhà đúng dịp các chú bộ đội ở Đại đội 23 hành quân về đây giúp dân làm lộ giao thông. Nhờ các chú bộ đội ở Đại đội 23 đến giúp khiêng gạch, trộn hồ, ban nền... nên đã tiết kiệm được tiền thuê thợ. Các chú bộ đội Đại đội 23 làm việc rất nhiệt tình, bà con hàng xóm nhìn vào ai cũng khâm phục”. Đại đội 23 còn là lực lượng xung kích trong cứu hộ, cứu nạn, góp phần giảm nhẹ thiệt hại cho tài sản nhà nước và nhân dân. Tiêu biểu như trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; sụp lở bờ kè Phong Điền; sụp lở bờ sông ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, sụp lở đường dẫn cầu Trà Niền; lốc xoáy gây thiệt hại cho bà con phường Thường Thạnh (quận Cái Răng)... cán bộ, chiến sĩ đều có mặt kịp thời để tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả. Với những thành tích đạt được trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại đội 23 đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng Ba, được trên công nhận đơn vị Quyết thắng 15 năm liền.

* * *

Trải qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, tên tuổi của Đại đội 23 đã gắn bó với biết bao tên đất, tên làng, in đậm với lòng người dân Tây Đô, khu 9 và nước bạn Campuchia, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”. Tin tưởng rằng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 23 hôm nay sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống của đơn vị anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết