11/04/2013 - 22:41

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về 3 dự án:

Luật Việc làm; Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 17, chiều 11-4, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của hai dự án: Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH cơ bản tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, góp ý cụ thể về 4 vấn đề hiện còn ý kiến khác nhau như đối tượng, phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật; nguồn nhân lực và vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng chống thiên tai (PCTT); quỹ PCTT và về cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy PCTT.

UBTVQH cơ bản tán thành với quy định về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong PCTT như Điều 6 dự thảo Luật. Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, quy định như dự thảo Luật sẽ huy động được tất cả các lực lượng thực hiện hoạt động PCTT. Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ khi thiên tai xuất hiện; quân đội nhân dân và công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc sơ tán người, phương tiện, tài sản, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và khắc phục hậu quả thiên tai theo sự điều động của người có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần thể hiện lại Điều này theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn vai trò, trách nhiệm của lực lượng này trong các giai đoạn của cả quá trình phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm tránh sự ỷ lại các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến góp ý của các Đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh sửa 5 vấn đề lớn về: Tổ chức Khoa học và Công nghệ (KH&CN); cá nhân hoạt động KH&CN và các biện pháp phát triển nguồn nhân lực KH&CN; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN; phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách và về Danh hiệu vinh dự Nhà nước.

Về đề xuất quy định danh hiệu Nhà khoa học ưu tú, nhà khoa học nhân dân, các ủy viên UBTVQH cho rằng, không nhất thiết quy định nội dung này trong Dự thảo Luật này mà để các văn bản pháp luật khác quy định. Nhiều ý kiến cũng nhất trí với việc không cần thiết phải quy định về Viện hàn lâm khoa học thành một điều riêng trong Dự thảo Luật.

Trước đó, trong phiên họp sáng cùng ngày UBTVQH thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Việc làm. Dự án Luật sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật Việc làm. Các đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã có sự tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại phiên họp trước, chỉnh lý nhiều điều, khoản của dự án luật (từ 9 Chương, 72 Điều xuống còn 7 Chương, 61 Điều)... Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH cho rằng ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm để bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật Việc làm với các luật khác.

Nhiều thành viên UBTVQH cho rằng đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai thực hiện được hơn 3 năm, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Các thành viên UBTVQH tán thành sự tham gia của Nhà nước trong việc tổ chức dịch vụ việc làm cho người lao động, với mục tiêu tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và kết nối cung - cầu lao động, hướng đến đối tượng ưu tiên là nhóm lao động yếu thế trong xã hội, đồng thời có sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức… trong việc cung cấp các dịch vụ việc làm.

Các thành viên UBTVQH cũng đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá sâu về tình hình lao động, việc làm hiện nay; làm rõ sự gắn kết giữa việc đào tạo nghề, tạo việc làm với các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục rà soát, cụ thể hóa những điều, khoản mang tính Nghị quyết trong dự án Luật; đánh giá tính khả thi của dự án Luật để sau khi ra đời Luật việc làm thật sự đi vào cuộc sống.

Thanh Hòa-Phúc Hằng (TTXVN)

Chia sẻ bài viết