12/02/2020 - 09:35

Luân canh trồng màu, né hạn 

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020, nông dân ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ không tiếp tục gieo sạ lúa vụ hè thu mà chuyển sang luân canh trồng các loại rau màu trên nền đất lúa, nhất là trồng mè. Cách làm này vừa giúp bà con giảm được chi phí bơm tưới nước để thích ứng với điều kiện nắng hạn đang diễn biến phức tạp, vừa “cắt đứt”  được các mầm sâu bệnh trên đồng ruộng và cải tạo đất, giúp những vụ lúa sau trúng mùa.

Nông dân ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt sử dụng máy tẹt hàng để làm đất chuẩn bị gieo sạ mè trên ruộng lúa.

Trồng mè né hạn

Ông Lê Thanh Phong ngụ khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt,  có 21 công ruộng, cho biết: “Vụ hè thu 2020, nắng hạn hơn mọi năm và đất của tôi thuộc khu vực gò cao khó giữ nước cho đồng ruộng nên tôi quyết định không sạ lúa mà xuống giống trồng màu cho 21 công đất, trong đó, tôi trồng mè 18 công và 3 công trồng dưa hấu. Vụ hè thu năm trước, tôi cũng đã có trồng 5 công mè và đạt hiệu quả rất cao. Mè cho năng suất đạt 9 giạ/công (tầm lớn 1.300m2 và bán được giá 50.000 đồng/kg, tính ra tôi có lời gần 7 triệu đồng/công”. Ông Phạm Văn Kiệu, ngụ phường Thuận An, cũng cho biết: “Vụ hè thu 2020 này, tôi tiếp tục gieo sạ mè trên 5 công đất của mình, ít phải tốn chi phí chăm sóc và bơm tưới nước so với trồng lúa mà hiệu quả sản xuất cao hơn gấp 2-3 lần nếu mè trúng mùa, trúng giá. Vụ hè thu 2019, 5 công mè của tôi với năng suất đạt 8 giạ/công và giá bán hạt mè dao động ở mức 50.000-51.000 đồng/kg, tính ra tôi có lời bình quân  5-6 triệu đồng/công. Năm nay, tôi hy vọng mè tiếp tục trúng mùa”.

Mè được đánh giá là loại cây trồng tiết kiệm nước do chịu hạn tốt và có khả năng thích ứng với các điều kiện nắng nóng trong vụ hè thu. Sản xuất luân canh giữa lúa và mè không chỉ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất hè thu mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Đặc biệt, các ruộng lúa sau khi trồng mè giúp cải tạo đất và tiêu diệt lúa cỏ và nhiều mầm sâu bệnh hại lúa. Anh Nguyễn Văn Thư, ngụ  khu vực Tân Phước 1, phường Thuận Hưng,  cho biết: “Gần đây, lúa cỏ (lúa lộn) xuất hiện khá nhiều trên đồng ruộng, nông dân phải tốn nhiều công sức để nhổ và cắt bỏ. Hơn nữa, làm lúa liên tục nhiều vụ trong năm khó trúng mùa, sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân, tôi chuyển một số diện tích đất lúa sang luân canh trồng mè và các loại rau màu đang có đầu ra tốt nhằm né hạn và “cắt đứt” lúa cỏ và các mầm sâu bệnh hại lúa. Tôi có 23,5 công ruộng, vụ hè thu này tôi chỉ sạ lúa 12 công đất tại khu vực đảm bảo nước tưới, còn lại 5 công đất tôi trồng mè và  6,5 công đất trồng rau tần dày lá”.

Cây mè có thời gian trồng khá ngắn, chỉ khoảng 75 ngày là thu hoạch. Hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, có thể bảo quản được trong một thời gian rất dài, có thể trữ hàng lại để chờ giá, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Đây cũng là những nguyên nhân nông dân chọn trồng mè trong vụ hè thu.

Hướng đến sản xuất bền vững

Hiện nay, điều mà nhiều nông dân trồng cây mè và các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày nói chung chưa an tâm là còn thiếu các đơn vị, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm. Do vậy, giá cả đầu ra của sản phẩm còn thường biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân khi bước vào các mùa thu hoạch rộ. Ông  Lê Văn Hoàng, ngụ phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết: “Thấy giá lúa vụ đông xuân 2019-2020 tương đối thấp, tôi chuyển 8 công đất sang luân canh trồng mè với hy vọng có giá đầu ra tốt hơn và nhẹ chi phí sản xuất. Song, do chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào tham gia bao tiêu mè nên tôi vẫn còn lo cho giá cả đầu trong tương lai”.

Nông dân cũng còn thiếu thông tin và  hạn chế về trình độ kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây mè và các loại rau màu để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến rất phức tạp, nắng nóng bất thường và mưa trái mùa do biến đổi khí hậu, rất dễ gây thiệt hại về năng suất cho cây mè và nhiều loại rau màu. Mặt khác, do còn thiếu các máy móc cơ giới để phục vụ việc chăm sóc, thu hoạch mè và các loại rau màu nên nông dân cũng ngán ngại trồng vì thiếu nhân công. Theo ông Nguyễn Văn Khang, ở phường Thốt Nốt, ngoài việc luân canh trồng mè, những năm qua nông dân tại quận Thốt Nốt cũng đã phát triển nhiều loại cây trồng khác trên nền đất lúa trong vụ hè thu: trồng dưa hấu, mướp hương, bầu,  bí, ớt... và đã có thu nhập khá tốt. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình sản xuất này còn gặp khó vì nông dân lo ngại năng suất đạt thấp, đầu ra không có do nhiều người cùng trồng. Các cơ quan chức năng cần quan tâm tăng cường tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ kết nối giữa nông dân với các nhà tiêu thụ nông sản để bà con an tâm sản xuất.

Năm 2020, dự kiến diện tích trồng mè và các loại rau màu trên địa bàn quận Thốt Nốt đạt hơn 580ha, tăng hơn 50ha so với năm trước. Theo bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, quận rất quan tâm việc khuyến cáo, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để tiết kiệm nước tưới, thích ứng với các điều kiện sản xuất bất lợi và gắn với nhu cầu thị trường. Hiện quận đã có 200ha đất lúa nông dân chuyển sang luân canh trồng mè trong vụ hè thu 2020 và con số này còn tăng trong thời gian tới do nông dân đang tiếp tục xuống giống thêm nhiều diện tích.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết