23/11/2019 - 17:47

Lựa chọn chiến lược

Hàn Quốc đã quyết định tạm hoãn có điều kiện việc chấm dứt Hiệp định Bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản, ngay trước thời điểm thỏa thuận này hết hiệu lực ngày 23-11. Theo thông báo, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định duy trì GSOMIA “với điều kiện có thể chấm dứt hiệp định này bất cứ lúc nào”. Tạm gác những bất đồng về các vấn đề lịch sử và thương mại với Tokyo cùng với những rủi ro về mặt đối nội, Seoul đã đưa ra một lựa chọn mang tính chiến lược, đó là duy trì sự ổn định của liên minh quân sự ba bên Nhật-Mỹ-Hàn trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang tiềm ẩn những dấu hiệu phức tạp khó lường.

Nhật Bản và Hàn Quốc ký GSOMIA ngày 23-11-2016, với mục đích chủ yếu là ứng phó với các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và kiềm chế tham vọng quân sự của Trung Quốc. GSOMIA được gia hạn tự động hằng năm, nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước ngày 24-8. Từ năm 2016 đến nay, thỏa thuận này đã được gia hạn hai lần vào các năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, ngày 22-8 vừa qua, giữa lúc căng thẳng Nhật-Hàn leo thang, Hàn Quốc đã quyết định rút khỏi GSOMIA, đồng nghĩa với hiệp định này sẽ hết hạn vào đêm 22-11 giờ Nhật Bản.

Kể từ đó đến nay, Tokyo đã nhiều lần đề nghị Seoul nối lại GSOMIA bởi vì Nhật Bản lo ngại việc chấm dứt hiệp định này có thể gây trở ngại cho khả năng của cả hai nước trong hoạt động giám sát, theo dõi và đánh giá các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Tokyo cũng lo ngại quyết định của Hàn Quốc có thể dẫn tới những rạn nứt trong quan hệ đồng minh an ninh chiến lược ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực, theo hướng có lợi cho Triều Tiên và Trung Quốc.

 Lựa chọn của Hàn Quốc tạm thời chưa chấm dứt GSOMIA được cho là do tác động liên tục của Mỹ. Washington đã tỏ thái độ “không buông xuôi” trước khả năng rạn nứt trong liên minh quân sự Nhật-Mỹ-Hàn. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về khả năng suy yếu quan hệ hợp tác an ninh ba bên nếu Hàn Quốc không gia hạn GSOMIA. Quốc hội Mỹ đã “tiếp sức” các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump khi thông qua nghị quyết khẳng định GSOMIA là “nền tảng của an ninh và quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Có vẻ như các sức ép liên tục từ Washington đã khiến Seoul lật lại quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, bản thân Hàn Quốc cũng rất cần GSOMIA, nhất là khi tần suất các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng đã gia tăng trong thời gian gần đây, trong khi quan hệ liên Triều sau những bước cải thiện đáng kể hồi năm ngoái hiện đang trong tình trạng “đóng băng”. Trên nhiều phương diện, quan hệ đồng minh với Mỹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc và việc để mối quan hệ chiến lược này rạn nứt do những tranh cãi liên quan tới GSOMIA có vẻ không phải là một tính toán khôn ngoan vào thời điểm hiện nay.

Sau khi Hàn Quốc thông báo quyết định trên, cả Nhật Bản và Mỹ đều bày tỏ sự hoan nghênh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh Seoul đã đưa ra một quyết định “chiến lược” vào phút chót, xuất phát từ “quan điểm chiến lược”  về sự phối hợp ba bên Nhật-Mỹ-Hàn trong vấn đề Triều Tiên.

THANH TÙNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết