04/04/2018 - 15:42

Lợi ích chữa lành vết thương của đường 

Từ cách chữa thương truyền thống tại quê nhà Zimbabwe, Tiến sĩ Moses Murandu (ảnh) của Đại học Wolverhampton (Anh) mới đây được Wound Care - tạp chí hàng đầu thế giới dành cho y bác sĩ và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị vết thương - trao giải thưởng vì những nỗ lực nâng cao hiệu quả chữa lành vết thương bằng nguyên liệu hết sức phổ biến: đường.

Ảnh: University of Wolverhampton

Theo chia sẻ, ông Murandu từ nhỏ đã quen dùng muối sát trùng vết thương khi bị trầy xước da do té ngã hoặc đứt tay. Nhưng sau đó ông tình cờ phát hiện sử dụng đường không chỉ giảm đau rát so với muối mà còn giúp vết thương mau lành hơn. Khi làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) năm 1997, Murandu cho biết đã rất ngạc nhiên khi biết rằng không ai sử dụng đường theo cách này. Điều đó thúc đẩy ông tìm tòi nghiên cứu lợi ích của đường trong chữa lành vết thương, đặc biệt những trường hợp kháng thuốc kháng sinh.

Phương pháp chữa thương bằng đường rất đơn giản, chỉ cần đắp đường lên vết thương rồi băng lại. Những hạt đường nhỏ có tác dụng hút ẩm trên bề mặt vết thương vốn là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Còn khi vết thương được vô trùng, tốc độ chữa lành sẽ nhanh hơn. Hiệu quả này đã được chứng minh bằng hàng loạt thí nghiệm, trong đó, ông Murandu phát hiện các chủng vi khuẩn phát triển ở nồng độ đường thấp nhưng hoàn toàn bị ức chế khi lượng đường tăng thêm. Điều đáng nói là đường sử dụng trong nghiên cứu cũng chính là đường mà chúng ta dùng hằng ngày. Trừ đường nâu chưa qua tinh luyện, các loại đường còn lại, làm từ mía hay củ cải đường, đều có hiệu quả chữa lành.

Ông Murandu sau đó bắt đầu hành trình thu thập thêm bằng chứng từ các nghiên cứu thực tế ở Zimbabwe, Botswana và Lesotho (những nơi ông đến để huấn luyện y tá chữa thương). Đặc biệt, có trường hợp một nữ bệnh nhân đã thoát khỏi nguy cơ cắt cụt chân do vết thương lở loét kéo dài trong 5 năm. Theo đó, việc lặp đi lặp lại các bước làm sạch vết thương và đắp đường theo chỉ dẫn của ông đã giúp bệnh nhân bảo toàn phần chân bị tổn thương nghiêm trọng trước đó. BBC cho biết, Tiến sĩ Murandu sau đó còn tiến hành nghiên cứu lâm sàng trên 41 bệnh nhân ở Anh. Kết quả chưa công bố rộng rãi nhưng đã được trình bày tại nhiều hội nghị quốc gia và quốc tế. Trước câu hỏi dùng đường có điều trị được vết loét ở bệnh nhân tiểu đường hay không, ông Murandu khẳng định các thử nghiệm đều cho thấy phương pháp này rất khả quan và không ảnh hưởng đến mức độ đường huyết bởi nó chỉ áp dụng bên ngoài vết thương.

Hiện tại, Tiến sĩ Murandu có kế hoạch thành lập cơ sở y tế tư nhân áp dụng liệu pháp đường với hy vọng cách điều trị này sẽ được nhân rộng, đặc biệt với những ca nhiễm trùng nghiêm trọng và những nơi bệnh nhân khó tiếp cận thuốc kháng sinh.

Nhiều nhà nghiên cứu xác thực lợi ích chữa thương của đường

Ngoài công trình của Tiến sĩ Murandu, BBC cho biết bác sĩ thú y Maureen McMichael tại Đại học Illinois (Mỹ) cũng áp dụng phương pháp này để chữa vết thương trên động vật trong nhiều năm. Theo đó, bà McMichael cho biết vẫn dùng đường hay mật ong đắp vết thương trong các ca mổ cho chó, mèo, gia súc. Phương pháp này thực sự rất hữu hiệu mà lại đơn giản và ít tốn kém.

Trong một nghiên cứu khác, chuyên gia về kỹ thuật mô Sheila MacNeil của Đại học Sheffield (Anh) còn tìm hiểu làm thế nào các hạt đường kích thích cơ chế tự nhiên giúp mạch máu tái phát triển. Nghiên cứu này bắt nguồn từ một thí nghiệm trên các khối u, trong đó Giáo sư MacNeil phát hiện một lượng đường nhỏ được chuyển hóa sau khi phân hủy ADN vẫn tiếp tục nhân lên. Nhóm của Giáo sư MacNeil sau đó tiêm đường này vào màng tế bào phôi gà và nhận thấy đường kích thích tăng gấp đôi số lượng mạch máu hình thành so với bình thường. Mặc dù loại đường trong cơ thể này khác với đường mà Tiến sĩ Murandu dùng điều trị vết thương ngoài da, nhưng các nhà khoa học tin tưởng đây là bước đệm cho nghiên cứu sâu hơn về lợi ích của đường trong y học.

ĐƯỜNG THẤT (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết