18/02/2020 - 08:49

Lo ngại dịch COVID-19, người dân đi tiêm ngừa cúm 

Từ sau Tết Nguyên đán, lo ngại dịch COVID-19, nhiều người dân đổ xô đi tiêm ngừa cúm. Mấy ngày nay, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ) luôn đông nghẹt người dân đến tiêm ngừa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số những người đến CDC Cần Thơ thì đa số cho biết họ đi tiêm ngừa cúm. Anh Huỳnh Ngọc Ẩn, làm việc tại Công ty Toyota Cần Thơ, nhà ở khu dân cư 586, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết: “Công ty cho nhân viên chích ngừa cúm để an tâm hơn trong mùa dịch bệnh, nhất là dịch COVID-19 đang là tâm điểm. Công việc của tôi thường tiếp xúc với nhiều người, nếu tiêm ngừa, cơ thể có sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc cúm. Ngoài tiêm ngừa, tôi cũng tập thể dục, ăn chín, uống chín, rửa tay thường xuyên để phòng tránh bệnh”.

Nhân viên Trung tâm Tiêm chủng VNVC Cần Thơ tiêm ngừa cúm cho khách hàng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Triều, Phó Trưởng Phòng Khám Đa khoa - Chuyên khoa,  CDC Cần Thơ, sau Tết Nguyên đán, số lượng khách đến tiêm ngừa rất đông, dao động từ 400-500 khách/ngày, tăng khoảng 30-40% so với trước đây. Trong đó, do lo ngại dịch COVID-19 nên người dân đi tiêm ngừa cúm rất đông. Khoảng 150 người/ngày, tăng trên 50%. Có người đưa cả gia đình đến tiêm ngừa cúm. Trong tình hình dịch COVID-19 đang trong tâm điểm nóng, người dân ý thức tự bảo vệ mình bằng nhiều cách. Trong đó, có cách nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách tiêm ngừa một số bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh viêm phổi do phế cầu. Trung tâm còn khá nhiều vắc-xin cúm của Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc. Chúng tôi đang đặt hàng thêm để phục vụ cho người dân.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Thanh Triều: Tuy tiêm ngừa cúm không phòng ngừa dịch COVID-19. Tuy nhiên, người dân nên tiêm để nâng cao sức đề kháng cơ thể, nhất trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi. Đặc biệt là người lớn tuổi có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp… Trẻ em  6 tháng tuổi có thể tiêm ngừa cúm, tiêm 2 mũi, cách nhau 1 tháng và sau đó mỗi năm tiêm 1 mũi. Riêng người lớn chỉ tiêm 1 mũi.

Tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Nâu, ở quận Ninh Kiều, cho biết chị vừa tiêm ngừa thương hàn và cúm. Do nghe thông tin có nhiều người ở Trung Quốc chết vì dịch COVID-19 nên tiêm ngừa cho an tâm phần nào. “Trước đây mấy năm, tôi có tiêm ngừa cúm rồi, đợt dịch COVID-19 này sợ quá nên tiêm ngừa. Ra khỏi nhà là tôi mang khẩu trang, tránh đến nơi đông người; tập thể dục, ăn uống dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cơ thể”- chị Nâu nói.

Gần đây, Trung tâm Tiêm chủng VNVC Cần Thơ tiếp nhận khoảng 500 lượt khách hàng đến tiêm ngừa. Trong đó, rất nhiều khách hàng quan tâm đến vắc- xin cúm, phế cầu, sởi - quai bị - rubella. Lượng tiêm tăng 300% so với trước khi có dịch COVID-19. Theo bà Đinh Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng VNVC Cần Thơ, tâm lý người dân do lo ngại dịch bệnh, nên quan tâm tới vắc-xin cúm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì người dân nên chủ động tiêm phòng, không đợi đến khi có dịch thì mới đi tiêm chủng. Việc tiêm phòng, giúp cho người dân phòng bệnh, tránh trường hợp bệnh trùng bệnh và tăng cường sức đề kháng cho bản thân. Trung tâm có đủ vắc-xin cúm của: Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc và Việt Nam. Trung tâm cam kết bình ổn giá vắc-xin trên toàn hệ thống; không tăng giá ngay cả khi khan hiếm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: Tất cả những bệnh đều nhắm vào đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt là các vụ dịch và virus mới xuất hiện. Đối tượng nguy cơ cao: Người lớn tuổi (60 tuổi trở lên); người có bệnh lý mạn tính: phổi mạn tính, tim mạch mạn tính, đái tháo đường… Đối với cúm, thêm nhóm em bé dưới 2 tuổi. Nguy cơ là gì? Khi những nhóm đối tượng kể trên mắc bệnh dễ bị nặng khi nhiễm virus. Những đối tượng nguy cơ cao phải tự bảo vệ mình bằng cách điều độ trong cách thức ngủ - nghỉ, ăn đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, tập luyện các môn thể thao thích hợp để tăng sức đề kháng. Khi không cần thiết, trong những mùa dịch diễn ra như hiện nay, hạn chế đến những nơi có thể lây bệnh cho mình. Các nhóm đối tượng nguy cơ cao cần chích ngừa bao gồm cúm và phế cầu. Bởi vì cúm diễn ra quanh năm, còn đối với phế cầu, khi mắc bệnh, chúng ta có thể dễ bị bội nhiễm hơn.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết